Cô giáo nấu sữa bắp kiếm tiền lo cho học sinh
Cô Hồ Thị Xuân Phương, giáo viên dạy toán Trường THPT Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, được Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM đề nghị tuyên dương khen thưởng cá nhân điển hình “người tốt, việc tốt” năm học 2017-2018.
Bỏ tiền túi giúp học sinh chữa bệnh
Nhắc đến cô Xuân Phương, em Phạm Văn Hưng, học sinh (HS) lớp 12A4, Trường THPT Vĩnh Lộc, nở nụ cười trìu mến. “Trong giờ dạy, cô Phương rất nghiêm khắc. Thế nhưng khi tan giờ, cô thường quan tâm tới tụi em. Cô hay tìm hiểu về hoàn cảnh của các bạn trong lớp để giúp đỡ” - Hưng cho hay.
Còn thầy Đặng Văn Thanh, Chủ tịch công đoàn nhà trường, cho biết không chỉ đạt nhiều thành tích trong dạy học, suốt nhiều năm liền cô Phương bằng những hành động cụ thể luôn giúp đỡ những người gặp khó khăn khiến ai cũng cảm mến.
Đơn cử như năm 2016, cô Phương đã kêu gọi giúp đỡ cho trường hợp một HS cũ của trường bị bệnh bạch cầu. Vì bệnh tình quá nặng, em HS đó đã mất sau đó không lâu.
“Biết tin HS bị bệnh, dù em đã ra trường nhưng chính cô đã tìm đến nhà thăm hỏi, động viên. Thấy hoàn cảnh HS khó khăn trong khi chi phí để chữa bệnh phải tốn hàng trăm triệu đồng, cô đã tự bỏ tiền túi ra giúp đỡ. Chính cô Phương còn tự nấu nước sâm, sữa bắp bán lấy tiền ủng hộ các em HS lớp 12A3, 12A4 có hoàn cảnh khó khăn” - thầy Thanh chia sẻ.
Đề cập đến việc làm của mình, cô Phương cho hay: “Khi đó tôi chỉ nghĩ phải làm sao để giúp HS của mình. Vì hoàn cảnh của em ấy rất đáng thương”.
Cô Phương cho biết đó là một HS giỏi, sau khi tốt nghiệp tại trường, em đậu vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Học được một học kỳ, em phát bệnh.
“Tôi biết tin về em qua học trò cũ. Khu nhà trọ em ở tận Bình Chánh, tôi tìm đến căn phòng không có gì đáng giá. Mẹ em vẽ gia công, ba làm thợ hồ lương ba cọc ba đồng. Tôi đã nói chuyện với nhà trường về hoàn cảnh của em. Mặt khác, tôi tìm đến các tổ chức để mong được giúp đỡ. Vậy nhưng căn bệnh quá nặng khiến em đã ra đi vào tháng 12-2016. Dù vậy, với số tiền hỗ trợ có được từ các nhà hảo tâm, gia đình đã có thể lo chỗ yên nghỉ cho em” - cô Phương mắt rưng rưng nhớ lại.
“Cô thương con rất nhiều”
Không chỉ giúp đỡ HS nghèo, cô Phương còn là một giáo viên tâm lý, luôn nắm bắt được suy nghĩ của học trò để từ đó có hướng xử lý phù hợp.
Thầy Thanh cho biết lớp cô Phương chủ nhiệm có một HS bị chứng tự kỷ, sợ giao tiếp với mọi người. Em thường xuyên có những hành động khác thường. Thế nhưng từ khi được cô Phương trò chuyện, chia sẻ, HS đó đã có những thay đổi tích cực.
Nhắc đến sự việc trên, cô Phương cho hay HS này thường không kiểm soát được cảm xúc của mình, đặc biệt em rất sợ tiếp xúc với người lớn, trong lớp ít khi chuyện trò với ai.
“Còn nhớ có một lần em sử dụng điện thoại trong giờ học, bị cô giáo bộ môn tịch thu. Em hoảng sợ chạy vào nhà vệ sinh đóng cửa, tự dùng vật nhọn làm đau mình. Khi đó tôi biết chuyện, chạy tới nói chuyện, thuyết phục, cuối cùng em cũng chịu ra ngoài. Ngày hôm sau tới lớp, điều đầu tiên tôi làm là chạy tới ôm em vào lòng và nói rằng: “Cô rất thương con!”. Khi đó tôi chỉ hành động theo bản năng. Vì tôi nghĩ sự thân thiện, gần gũi sẽ khiến em không còn cảm giác sợ hãi. Và sau hôm đó em đã dần cởi mở với tôi hơn” - cô Phương bày tỏ.
Cũng theo cô Phương, để giúp đỡ HS, chính cô đã tự tìm đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của HS. “Em không có cha, chỉ có mẹ. Là công nhân nên mẹ em đi làm suốt ngày, không có thời gian dành cho em. Nhiều hôm tôi phải chờ đến 8-9 giờ tối mới gặp được phụ huynh. Tôi nói chuyện với gia đình về chứng bệnh mà em đang gặp phải. Tôi mong phụ huynh sẽ dành nhiều thời gian cho em hơn, đừng gây áp lực thêm cho em. Và bản thân tôi thấy mình có trách nhiệm phải quan tâm tới em hơn, giúp em vượt qua giai đoạn khó khăn này” - cô Phương nói.
Làm giáo viên khiến cô Phương có điều kiện gần gũi với HS hơn. “Trước khi về Trường THPT Vĩnh Lộc, tôi đã từng làm công tác quản nhiệm suốt bốn năm trời tại Trường tư thục Nguyễn Khuyến. Vì thế tôi cũng có một số kinh nghiệm trong việc giáo dục trẻ. Quan điểm của tôi là vừa nghiêm khắc vừa gần gũi và quan trọng là yêu thương trò như con mình. Đối với những việc tôi đã làm, tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu việc đó nằm trong khả năng giúp đỡ của mình thì mình làm thôi” - cô Phương tâm sự.
Đem lại niềm tin yêu cho học sinh
Cô Xuân Phương là một giáo viên giỏi, luôn gương mẫu tham gia tất cả hoạt động của nhà trường. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô luôn toàn tâm, toàn ý cho HS của mình. Việc cô Phương đứng ra vận động mọi người cùng giúp đỡ HS bị ung thư hay là người chia sẻ, bầu bạn với những HS bị khiếm khuyết về trí tuệ khiến tôi thấy tự hào. Đó là những việc ngoài giờ, những việc không tên nhưng cô vẫn làm việc bằng tất cả tấm lòng của một nhà giáo. Chính những việc làm của cô đã mang lại niềm tin yêu cho HS, đem lại hình ảnh đẹp cho nhà trường.
Bà PHẠM THỊ THÚY LINH, Phó Hiệu trưởng
Trường THPT Vĩnh Lộc, quận Bình TânTận tình giúp đỡ đồng nghiệp
Cô Phương là người thường xuyên giúp đỡ những đồng nghiệp khó khăn hay bệnh tật trong trường. Trước có chị lao công trong trường bị bệnh nặng, chính cô Phương đã giúp đỡ về mặt tài chính để chị này chữa trị.
Thầy ĐẶNG VĂN THANH,Chủ tịch công đoàn Trường THPT Vĩnh Lộc, quận Bình Tân
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...