Koichiro Fujita là một bác sĩ nổi tiếng về khả năng miễn dịch ở Nhật Bản, năm nay ông đã 82 tuổi nhưng kể từ năm 55 tuổi, ông chưa bao giờ mắc một căn bệnh nào, thậm chí là cảm lạnh. 

Tuy nhiên không phải ai cũng biết bác sĩ Fujita tuy chuyên về miễn dịch học nhưng khi còn trẻ, ông không chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe, ăn uống thoải mái và không bao giờ có giới hạn dẫn đến mắc bệnh gút và tiểu đường. 

Sau đó, ông quyết định tự mình thử nghiệm và áp dụng nhiều phương pháp ăn uống lành mạnh khác nhau. Cuối cùng, bác sĩ Fujita phát hiện ra rằng món canh rau rất đơn giản, dễ thực hiện, chỉ cần uống hàng ngày là có thể duy trì được sức khỏe tốt. 

Kể từ khi bác sĩ Fujita bắt đầu uống món canh tự làm, ông không bao giờ bị bệnh nữa, hiệu quả thật đáng kinh ngạc. Sau đây là lời khuyên và công thức nấu những món canh rau tăng cường sức khỏe của bác sĩ Fujita.

Chuyên gia về miễn dịch Koichiro Fujita gợi ý nên ăn các món canh bổ dưỡng để tăng cường sức khỏe.

Tại sao uống canh rau có thể cải thiện khả năng miễn dịch?

Việc ăn uống không kiểm soát trong thời gian dài dễ dẫn đến dư thừa đường và các bệnh như béo phì, tiểu đường. Nếu muốn kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể thì uống canh rau củ có tác dụng làm ấm cơ thể là cách tốt nhất. 

Ngoài ra, việc sử dụng những nguyên liệu tốt cho đường ruột sẽ càng có lợi cho sức khỏe. Bởi vì, có tới 70% tế bào miễn dịch trong ruột nên đường ruột khỏe mạnh thì tự nhiên cơ thể sẽ không dễ dàng bị bệnh.

Dưới đây là những lợi thế của việc ăn canh rau củ:

1. Hấp thụ hoàn toàn dưỡng chất của thực phẩm, tránh lãng phí

Trong số các chất dinh dưỡng và thành phần có trong thực phẩm, có nhiều chất hòa tan trong nước. Bằng cách ăn cả nguyên liệu và phần nước canh, bạn có thể hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng mà không lãng phí.

Bên cạnh đó, món canh rau khi được hầm lâu sẽ mềm, giảm khối lượng nguyên liệu, giúp bạn dễ dàng ăn đủ rau. Khi không thèm ăn, chỉ cần uống nước canh để hấp thụ chất dinh dưỡng.

Nhờ uống canh rau tăng cường sức khỏe mà bác sĩ đã nhiều năm không bị ốm. (Ảnh minh họa)

2. Thức ăn dễ tiêu hóa, cơ thể dễ hấp thụ

Hầm chậm không chỉ mang lại hương vị thơm ngon và chất dinh dưỡng của các nguyên liệu vào món canh mà còn giúp các thực phẩm dễ tiêu hóa hơn. Hơn nữa, uống canh không chỉ có thể hấp thụ đa dạng dinh dưỡng mà còn không gây gánh nặng cho đường tiêu hóa và giúp cơ thể hấp thụ một cách thuận lợi.

3. Mùa đông nấu canh nóng, mùa hè uống canh lạnh

Món canh ấm nóng có thể làm ấm cơ thể từ bên trong, tuần hoàn máu được cải thiện, không chỉ có tác dụng cải thiện chức năng của các cơ quan nội tạng mà còn giúp điều hòa cơ thể. Vào mùa hè nóng nực, bạn có thể nấu canh mát để loại bỏ nhiệt dư thừa trong cơ thể và bổ sung nước. Do đó, bạn có thể ăn món canh rau này quanh năm.

4. Dùng được ngay cả đối với người mới bắt đầu

Nấu canh không khó chút nào, chỉ cần cho các nguyên liệu vào nồi rồi đun trên lửa lớn, thêm chút gia vị trước khi dùng là bạn sẽ có món canh rau chữa bệnh thơm ngon. Dù bạn có kỹ năng nấu nướng kém hay không có thời gian nấu nướng cũng đừng lo lắng.

Làm thế nào để uống canh rau hiệu quả nhất?

Bác sĩ Fujita khuyên mọi người nếu có thể hãy uống canh rau mỗi ngày một lần, sau 2 tuần sẽ thấy sức khòe cải thiện rõ rệt. Bác sĩ cũng cho biết nếu cố gắng áp dụng quá nhiều có thể sẽ khiến bạn cảm thấy phiền phức nên tốt nhất chỉ cần 1 bữa trong ngày ăn món canh rau này, kết hợp với các món ăn kèm giàu protein và cơm gạo lứt là bạn có thể dễ dàng duy trì sức khỏe. 

3 công thức nấu canh rau củ giúp tăng cường sức khỏe đường ruột

Dưới đây là lời giới thiệu của bác sĩ Fujita về cách sử dụng nguyên liệu tăng cường đường ruột để nấu món canh thơm ngon. Chỉ cần bạn bổ sung một bát canh rau củ vào khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giúp nâng cao khả năng miễn dịch và tạo cho cơ thể một cơ thể khỏe mạnh, ít mắc bệnh tật.

1. Canh rau chữa bệnh

Nguyên liệu:

- 4 cánh gà

- 1/4 bắp cải

- 1/2 củ cà rốt

- 2 cây nấm hương

- 6 quả cà chua nhỏ

- Một ít muối, tiêu đen và giấm

Cách làm:

- Cắt bắp cải và cà rốt thành miếng lớn, cắt nấm thành từng lát mỏng.

- Cho các nguyên liệu trên cùng cánh gà và cà chua vào nồi, đổ nước vừa đủ để ngập thực phẩm rồi đun sôi.

- Vặn lửa nhỏ đến vừa nấu trong 20 phút, khi rau mềm thì nêm muối và tiêu đen, cuối cùng đổ giấm theo chuyển động tròn.

2. Súp sữa cà ri hành tây  

Chất propyl sulfua trong hành tây có tác dụng lọc máu, ngăn ngừa đông máu và xơ cứng động mạch. Các loại gia vị như bột cà ri có thể làm ấm cơ thể và thúc đẩy quá trình lưu thông máu.

Nguyên liệu (dành cho 2 người)

- 1 và 1/4 củ hành tây (250g)

- 1 muỗng canh dầu ô liu

- 1/2 muỗng cà phê bột cà ri

- 1 và 1/2 chén nước dùng dashi Nhật Bản

- 1/2 lá nguyệt quế

- 1/2 cốc sữa

- Một chút muối, tiêu đen, hành lá thái nhỏ.

Cách làm

- Cắt hành tây thành từng lát mỏng.

- Đổ dầu ô liu vào nồi, đun nóng ở lửa vừa, cho hành tây vào xào cho đến khi mềm, sau đó rắc bột cà ri vào xào chín.

- Cho nước dùng dashi Nhật và lá nguyệt quế vào nồi, đun sôi. Loại bỏ bọt và nấu trên lửa vừa trong 7 đến 8 phút. Đổ sữa vào và đun sôi lại, nêm muối và hạt tiêu đen. Đổ ra bát và rắc hành lá lên trên.

3. Canh súp lơ trắng phô mai xanh

Súp lơ trắng chứa xylitol, có thể giúp vi khuẩn tốt sinh sôi trong ruột. Nếu kết hợp nó với phô mai - thực phẩm lên men thì có thể thúc đẩy nhu động ruột.

Nguyên liệu (dành cho 2 người)

- 1/4 đầu súp lơ trắng (150g)

- Phô mai xanh 20g

- 1/4 củ hành tây (50g)

- A: 2 chén nước dùng dashi Nhật, 1/2 tép tỏi (nghiền), 1/2 lá nguyệt quế

- B: 1/4 thìa cà phê muối, một ít tiêu đen, một ít bột húng tây khô.

Cách làm

- Cắt súp lơ, rửa sạch; hành tây xắt nhỏ.

- Cho các nguyên liệu A và súp lơ, hành tây vào nồi đun sôi rồi vặn lửa vừa và hớt bọt. Đậy nắp nồi và nấu trong 10 ~ 15 phút.

- Rắc gia vị B vào rồi tắt bếp. Nghiền phô mai xanh thành từng miếng nhỏ và thêm vào súp.