Theo thông tin từ Sức khoẻ Đời sống, ngày 4/10, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, gần đây các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu nhiễm trùng, áp xe, thậm chí hoại tử vành tai do xỏ khuyên, bấm lỗ tai.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân Phan Thị K.L, 18 tuổi (ở Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng 2 tai sưng đau với 4-5 lỗ xỏ khuyên mỗi bên tai, tai phải sưng đau nhiều hơn, chảy mủ vàng.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm sụn vành tai 2 bên, áp xe sụn vành tai phải và sau đó tiến hành chích rạch dẫn lưu mủ, nạo sạch tổ chức viêm.

Một trường hợp khác, bệnh nhân Phí Đình M.T, 23 tuổi (ở Hoài Đức, Hà Nội) nhập viện với tình trạng đau nhức, sưng nóng đỏ ở vành tai phải, có lỗ rò mủ.

Bệnh nhân bị biến dạng tai do xỏ khuyên trên vành tai - Ảnh: Sức Khoẻ Đời sống

Được biết, trước đó 2 tuần, bệnh nhân có đi xỏ khuyên tai bên phải. Sau khoảng 4 ngày thì T. có biểu hiện sốt nhẹ, sưng đau vành tai phải. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại cơ sở y tế khác nhưng không đỡ, tình trạng sưng và đau nhức vẫn còn và kèm theo mủ.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán là áp xe sụn vành tai phải do xỏ khuyên tai. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chích rạch dẫn lưu áp xe, nạo vét sụn hoại tử rồi khâu cố định băng ép bằng gạc tẩm mỡ kháng sinh cho bệnh nhân.

Hiện tại, tình trạng vành tai phải của T. đã ổn định, không còn mủ, còn sưng mô ít, vành tai bên tổn thương có biểu hiện biến dạng co rúm nhẹ so với bên lành.

Dẫn tin từ Người Lao Động, Bác sĩ Kim Phúc Thành, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết những năm gần đây, nhiều bạn trẻ muốn tạo cá tính nên bấm khuyên ở vành tai, khi bị sưng, mưng mủ không đi bác sĩ mà tự mua thuốc về nhà uống.

Một trường hợp bị biến chứng nhiễm trùng sau khi bấm khuyên tai ở nơi không có chuyên môn - Ảnh: Người Lao Động

Bác sĩ Thành khuyến cáo: Việc bấm khuyên tai ở những tiệm làm tóc, gội đầu hay bấm tai dạo... rất nguy hiểm vì người thực hiện không có chuyên môn, không đeo găng tay, không vệ sinh dụng cụ, không thuốc sát trùng nên có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm trùng. Chưa kể việc sử dụng dụng cụ không bảo đảm vô trùng, dùng nhiều lần từ người này sang người khác còn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, uốn ván, viêm gan B, thậm chí lây nhiễm HIV.

"Nếu muốn bấm lỗ tai, xỏ lỗ ở vành tai nên đến cơ sở y tế để bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn thực hiện, không nên giao tính mạng ở những cơ sở bấm lỗ tai dạo, nơi không có chuyên môn và dụng cụ không bảo đảm vô trùng" - bác sĩ Thành tư vấn.