Thùy Dung (28 tuổi, ở Hà Nội) cao 1m72, có dáng chuẩn, số đo ba vòng như người mẫu. Thế những mỗi khi ra mắt nhà bạn trai, cô lại bị gia đình đối phương từ chối vì gương mặt "có tướng sát chồng" kiểu xương xương. Dung chia sẻ, nhà cô ai cũng vậy, mặt cứ gầy gầy, má hóp lại nên bị chê bai rất nhiều, dù có chiều cao lý tưởng.

Mới đây, Dung yêu một chàng trai cùng cơ quan, rồi hai người “thề non hẹn biển”, nhưng gia đình lại “sợ” chuyện tương lai nên không đồng ý. Thấy vậy, Dung và người yêu quyết định đi tiêm silicon làm đầy điểm má hóp tại một spa quen biết. Sau tiêm mọi thứ ổn định, nhưng gần đây, má cô bỗng nổi u cục lớn khiến Dung hoang mang và đi khám. Kết quả cho thấy, đây là biến chứng của việc tiêm silicon.

 

Cô gái trẻ phải nhận trái đắng vì muốn tân trang lại khuôn mặt để đỡ bị chê. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành (Thành viên Hội Da liễu Việt Nam) cho biết, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị biến chứng do tiêm silicon làm đẹp. Gần đây, một tiktoker nổi tiếng trên mạng xã hội cũng chia sẻ về việc “bị lừa” tiêm silicon, đến nay đã 6 năm nhưng vẫn còn nhiều biến chứng và đang phải xử lý.

Theo bác sĩ Thành, silicon là một chất làm đầy không được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Một số cơ sở làm đẹp không uy tín có thể vì lợi nhuận mà tư vấn thực hiện phương pháp này, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Ngoài vấn đề ảnh hưởng đến thẩm mỹ còn có thể gây biến chứng ngay khi tiêm như sốc phản vệ, tắc mạch gây thiếu máu nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, mũi, môi… dẫn tới hoại tử. 

 

Silicon là chất làm đầy không được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Ảnh minh họa. 

Về lâu dài như trường hợp trên, vùng tiêm có thể bị viêm tấy, nhiễm khuẩn và tạo các u hạt, áp xe… gây biến dạng hình thể. Đặc biệt silicon lỏng có thể di chuyển khắp các mô, gây nhiều khó khăn khi muốn phẫu thuật loại bỏ.

Ở nam giới, việc sử dụng silicon với mục đích tăng kích thước dương vật cũng rất phổ biến. Bác sĩ Thành khuyến cáo không nên thực hiện cách này bởi vì bộ phận sinh dục là vùng có nhiều mạch máu, nguy cơ tắc mạch khi thực hiện thủ thuật cao. Nếu khối silicon gây biến chứng viêm thì cũng ảnh hưởng tới sự lành vết thương, có thể tạo sẹo gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý.

Bác sĩ Thành khẳng định, phương pháp làm đẹp bằng silicon hiện không được Bộ Y tế cấp phép, vì vậy nếu nghe cơ sở nào quảng cáo và mời chào thực hiện dịch vụ này thì cần cảnh giác và từ chối.

Ngoài ra, nếu chọn làm đẹp bằng chất làm đầy - filler (được phép thực hiện) thì nên tìm đến các cơ sở uy tín, được cấp phép hoạt động. Trước khi thực hiện dịch vụ, bạn nên kiểm tra kỹ thành phần, xác định đó có phải sản phẩm chính hãng… và người làm thủ thuật cho mình có phải là bác sĩ đã được đào tạo đúng chuyên môn và phạm vi cho phép hay không.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Tin liên quan