Cá chuối đắm đuối vì con

Vừa nói, chị G. vừa bưng mặt khóc như một đứa trẻ giữa phiên tòa. Có lẽ bản tính của một đứa con gái ngoan hiền đã thôi thúc chị phải nói ra những điều trong lòng bao xót xa những ngày qua bố mẹ chị phải chịu đựng.

Vợ chồng bà K. đau xót khi phải tố con ra tòa. Ảnh: Hà An

Hôm nay, phiên tòa tại TP HCM đã xử một vụ tranh chấp vô cùng trái ngang. Nguyên đơn là vợ chồng bà K., bị đơn là vợ chồng đứa con gái duy nhất của mình (chị G. và con rể).

Vợ chồng bà K. quê ở Thái Bình. Sau khi ông bà cưới nhau, sinh ra chị G., trong một lần phẫu thuật, bà K. phải cắt bỏ một bên thận. Kể từ đó sức khỏe của bà yếu đi nhiều, không thể làm nông vì công việc đồng áng rất vất vả, ông bà bán nhà ở Thái Bình vào TP HCM mưu sinh bằng nghề trồng rau.

Đã 15 năm nay ông bà thuê đất trên địa bàn quận 12, trồng rau kiếm sống. Dù ở tuổi ngoài 60, nhưng sáng sáng hai ông bà vẫn phải thức dậy từ 2 giờ hái rau, mang ra chợ, tích cóp từng đồng nuôi cô con gái duy nhất ăn học.

Chị G. sau này lớn lên, yêu thương một người cùng quê ở Thái Bình cũng vào Sài Gòn lập nghiệp. Năm 2016, sau khi cưới, hai vợ chồng chị G. tính chuyện làm ăn, anh làm nghề thầu xây dựng nên bảo vợ mượn bố mẹ vợ vốn để làm ăn.

Con rể phủi mọi sự giúp đỡ của gia đình vợ trước đó

Thương con, ông bà K. đã mang cuốn sổ nhà đất thế chấp ngân hàng vay 500 triệu cho con gái và con rể mượn. Muốn giúp con làm ăn nên tiền lãi ngân hàng mỗi tháng ông bà không bắt vợ chồng con gái trả.

Số tiền 520 triệu bà K. chuyển khoản cho con gái 2 lần, lần 1 bà chuyển qua số chứng minh nhân dân của con gái 219 triệu đồng, lần 2 bà chuyển 300 triệu qua cho chị nhưng vì ngân hàng nói số chứng minh của chị bị mờ nên dùng số chứng minh nhân dân của con rể, anh L.

Theo chị G. 520 triệu anh đưa cho chị khoảng 60 triệu lo chuyện trong nhà, số còn lại anh dùng đầu tư thầu xây dựng. Năm 2017, do hai vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt nên ly hôn, ông bà K. yêu cầu con gái và con rể trả lại số tiền đã vay trước đó thì anh L. bảo tiền đó bố mẹ cho con gái và con rể làm kinh tế, nên anh không trả.

Tại phiên tòa, anh hoàn toàn chối bỏ chuyện bố mẹ vợ cho vay tiền làm ăn, và luôn khẳng định số tiền ấy là bố mẹ vợ cho con gái. Bà K. khóc nghẹn trình bày: “Thưa quý tòa, vợ chồng tôi trồng rau vất vả chứ giàu có gì để cho con gái số tiền lớn như vậy. Hơn nữa, có ai mang sổ bìa đỏ ra ngân hàng thế chấp vay tiền cho con gái không?”.

Giờ vợ chồng tôi tuổi cao, sức yếu, bệnh tật khắp người, không có tiền dưỡng già thì thôi, lấy đâu ra tiền cho con gái. Mặc dù thời gian con gái tôi chưa li dị, thỉnh thoảng nó lại mượn tôi vài triệu để lo cho nhà chồng, tôi chẳng tính toán nề hà gì", bà K. nói tiếp.

Hội thẩm nhận định, vốn là tình thân trong gia đình nên khi đưa tiền cho vợ chồng con gái ông bà chủ quan không viết giấy vay nợ. Âu cũng là tình ruột thịt. Bây giờ, mặc dù anh chị đã đường ai nấy đi, nhưng hai người vẫn còn ràng buộc bởi hai đứa con nhỏ, tại sao hai bên không tự hòa giải với nhau mà phải đưa nhau ra tòa như thế này?

Lúc đầu anh L. nói bố mẹ vợ cho tiền làm kinh tế, sau đó anh lại nói anh không dùng số tiền đó mà vợ anh chơi bời bài bạc hết. Trước sự bất nhất trong lời tường trình, chị G. khóc nghẹn khi tòa hỏi: “Tôi chẳng biết nói gì, tôi thấy mình có lỗi với bố mẹ tôi quá. Bố mẹ nuôi từ nhỏ đến giờ tôi chưa báo hiếu được ngày nào mà làm bố mẹ khổ thế này”.

Cuối cùng, tòa tuyên án yêu cầu chị G. và anh L. mỗi người phải trả cho ông bà K. 259 triệu 500 ngàn đồng.

Bước ra khỏi phòng tòa án, bà K. vẫn lắc đầu ngán ngẩm về người con rể bà từng thương như con đẻ: “Dù là muộn vẫn còn hơn không, giờ con G. chỉ lo làm ăn và nuôi hai đứa con khôn lớn, không cần phải nghĩ ngợi một người chồng như vậy nữa”.