Mới đây, trên một nhóm chuyên chia sẻ về kinh nghiệm phẫu thuật thẩm mỹ, Nguyễn Xuân (sinh sống tại Malaysia) kể về biến chứng sau khi thẩm mỹ tạo hình má lúm của mình.

Cô cho biết 10 tháng trước đã thực hiện phương pháp làm đẹp này tại một spa của người Việt tại Malaysia. Hậu làm đẹp, vùng má của Xuân có hiện tượng mưng mủ. Cô không tới thăm khám bác sĩ, tự ý mua thuốc, dùng mỹ phẩm để điều trị vết thương nhưng tình trạng không cải thiện. 

Nguyễn Xuân quay lại spa đã thẩm mỹ nhưng nơi này từ chối chịu trách nhiệm, chỉ nặn mủ, đắp thuốc cho cô. Đến nay, vết thương không có dấu hiệu thuyên giảm mà tiến triển nặng hơn khiến cô tự ti, không dám tiếp xúc với mọi người. 

Vùng má mưng mủ, hoại tử của Nguyễn Xuân. Ảnh: NVCC

Theo ThS.BSCKII, tạo hình thẩm mỹ Nguyễn Ngọc Thưởng (tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), vùng má của bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng, cần xử lý ổ viêm nhiễm. Nguyên nhân biến chứng có thể từ người thực hiện không phải bác sĩ. Khi tiến hành tạo má lúm, bác sĩ sẽ lấy đi một phần cơ mút, tạo điểm bám dính cơ cười với da, nếu làm "quá tay" có thể gây xấu xí về mặt thẩm mỹ.

Bác sĩ Thưởng cho hay nhân viên tại spa, chưa được đào tạo chuyên môn sẽ không xác định được cơ, mô, không thăm khám được tình trạng bệnh của khách hàng nên có thể "khâu bừa".

Ngoài ra, những cơ sở này thường không có đủ trang thiết bị sát trùng, sát khuẩn vòm răng miệng, khách hàng đang bị bệnh tai mũi họng, viêm răng lây qua vùng phẫu thuật hay bệnh nhân bị tiểu đường làm lở loét vết thương. Hậu quả nghiêm trọng là gây nhiễm trùng, hoại tử vùng phẫu thuật.