Theo thông tin từ Báo Dân Trí, chiều 17/1, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã thông tin về tình trạng của nữ bệnh nhân N.H.T. (18 tuổi, ngụ xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, Đồng Nai), trường hợp bị biến chứng nặng sau khi tiêm chất làm đầy vùng mặt mà nơi đây tiếp nhận điều trị những ngày qua.

Kể với bác sĩ, chị T. cho biết, qua mạng xã hội, bệnh nhân có liên hệ nhân viên cơ sở Spa Yuri Beauty Center (xã Phú Xuân, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), thống nhất làm thủ thuật tiêm chất làm đầy môi và cằm. Tối 8/1, bệnh nhân tới spa như đã thỏa thuận thì được 2 nhân viên khác tư vấn sửa thêm mũi.

 

 

Sau 8 ngày, thị lực cô gái không cải thiện. Ảnh: Dân Trí

Ban đầu cô gái từ chối, nhưng sau khi làm xong môi và cằm, T. đồng ý tiếp tục nâng mũi. Khi vừa tiêm filler vùng mũi, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng buồn nôn, ói, chóng mặt, sau đó mắt trái bất ngờ không còn nhìn thấy đường.

"Lúc đó nhân viên spa nói em bị tụt huyết áp, nằm nghỉ ngơi một lát sẽ hết, đồng thời pha cho em một ly nước đường, sữa, cho uống thuốc sơ cứu…", T. kể.

Nhận tin báo, người nhà đã đến cơ sở thẩm mỹ đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế ở địa phương, đến sáng 9/1 thì chuyển lên tuyến trên điều trị. Đến nay sau 8 ngày điều trị, bệnh nhân đã giảm triệu chứng đau đầu, mắt giảm sụp mi, giác mạc bớt phù. Tuy nhiên, thị lực không cải thiện.

Theo VTC News, theo kết quả xác minh ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Phú xác định, Spa Yuri Beauty Center được cấp phép hoạt động hộ kinh doanh với ngành nghề cắt tóc, gội đầu, làm đầu do Nguyễn Thị H. (sinh năm 1999 ngụ thôn 7, Đại Lào, Bảo Lộc, Lâm Đồng) làm chủ hộ kinh doanh.

Công an cũng phát hiện, nhân viên thực hiện tiêm filler cho cô gái N.H.T. không có chứng chỉ, giấy phép hành nghề, loại dung dịch được tiêm chưa rõ nguồn gốc.

Nạn nhân được chấn đoán mù thị lực trái sau khi tiêm filler. Ảnh: VTC

Nạn nhân đang cấp cứu chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với chẩn đoán mất thị lực mắt trái.

Hiện Công an huyện Tân Phú đang tiếp tục điều tra, hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Theo số liệu nghiên cứu tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM, gần 78% các ca tai biến thẩm mỹ do người thực hiện không phải là bác sĩ; hơn 15% bệnh nhân khi làm đẹp không biết người thực hiện có phải bác sĩ hay không. Chỉ có hơn 6% các ca tai biến do bác sĩ gây ra.

Đáng chú ý, hiện nay có tình trạng nhiễu loạn, tràn lan các hình thức quảng cáo về thẩm mỹ. Do đó, việc truyền thông, cảnh báo các tai biến khi "lên đời nhan sắc" là một vấn đề rất cần quan tâm.

Mỗi người dân cần biết nhận thức, tỉnh táo đến cơ sở làm đẹp có chuyên môn, cũng như tìm hiểu kỹ để tránh tiền mất, tật mang.