Nguyên nhân gây nên bệnh tim mạch là gì? 

Nguyên nhân dẫn đến vấn đề tim mạch, có thể do những thói quen trong sinh hoạt, sở thích mà chúng ta không nhận ra điều đó, như: Lười vận động, stress tâm lý, người bệnh có thói quen hút thuốc lá hay thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch.

Bệnh tim mạch thường bắt đầu với những tổn thương niêm mạc và lớp bên trong của động mạnh vành. Các mảng bám có thể bắt đầu tích tụ lại trên các động mạch bị hư hỏng. Sự tích tụ các mảng bám trong động mạch vành có thể bắt đầu ngay từ khi còn bé. Qua thời gian, mảng bám có thể đông cứng hoặc vỡ ra. Mảng bám cứng làm hẹp động mạch vành và làm giảm sự lưu thông máu giàu oxy đến tim.    

Nguyên nhân dẫn đến vấn đề tim mạch, có thể do những thói quen trong sinh hoạt, sở thích mà chúng ta không nhận ra - Ảnh minh họa: Internet

Để bệnh không "gõ cửa", giảm các nguy cơ tử vong tim do tim mạch, mọi người nên nắm được các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, giữ chỉ số cơ thể BMI từ 19-21

Công thức tính chỉ số BMI = cân nặng/chiều cao x 2 (trong đó, cân nặng đơn vị tính là kg và chiều cao, đơn vị tính là m). Trước đây, suy dinh dưỡng là vấn đề sức khỏe nổi trội ở Việt Nam nhưng hiện nay tỷ lệ thừa cân béo phì lại gia tăng. Thừa cân béo phì gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe từ tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa và ung thư. Nếu chỉ số BMI cao, bạn cần phải giảm cân đưa về chỉ số hợp lý nhất.

Thứ hai, chế độ ăn đa dạng

Nên lựa chọn chế độ ăn đa dạng màu sắc như chế độ ăn cầu vồng với các màu sắc nổi trội khác nhau. Ví dụ, thực phẩm có màu đỏ ở dưa hấu, dâu tây, ớt chuông đỏ, cà chua… có tác dụng chống viêm, oxy hóa, tăng cường miễn dịch. Màu cam có trong cà rốt, ớt chuông, chanh dây giúp điều hòa nội tiết, cải thiện chức năng sinh sản.

Màu vàng trong táo, chuối, khoai tây, gừng, ớt chuông vàng… có nhiều lợi ích điều hòa nhu động dạ dày, cân bằng hệ vi sinh đường ruột, chống oxy. 

Màu xanh lá: Đây là màu sắc quan trọng nhất. Các loại rau củ quản màu xanh lá chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho tim mạch vitamin K, magiê giúp bảo vệ thành mạch. 

Màu xanh tím: Có ở các loại thực phẩm như cà tím, nho tím, dâu tằm… có tác dụng tốt cho hệ thần kinh. Khi ăn đa dạng các loại màu thực phẩm trên, bạn sẽ có cơ thể khỏe mạnh. 

Chọn đa dạng màu sắc thực phẩm phòng bệnh tim mạch - Ảnh minh họa: Internet

 Thứ ba, ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm lớp cám bên ngoài, lớp nội nhũ (chứa tinh bột), phôi (chứa vitamin B, E và chất béo). Ngũ cốc thông thường sẽ chứa nhiều tinh bột do mất lớp cám bên ngoài. Vì vậy, bạn nên ăn ngũ cốc nguyên cám để giữ lại chất xơ, vitamin. Ngũ cốc nguyên cám giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, hỗ trợ đường tiêu hóa. Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, ngô.

Thứ tư, chọn protein lành mạnh

Các loại protein từ thực vật như đậu nành, đậu xanh, hạt điều, óc chó, hạnh nhân. Các loại hạt chứa ít chất béo so với protein từ động vật, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.

Protein từ động vật có chất béo không tốt. Vì vậy, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo bạn dùng protein từ động vật nên chọn từ cá, hải sản nhiều hơn các loại thịt thông thường. Các loại cá tốt như cá thu đao, cá chép, cá chích, cá nục, cá hồi, tôm, cua, mực. Sử dụng sữa nên chọn sữa tách béo, hạn chế thịt chế biến sẵn vì lượng chất béo bão hòa trong nhóm thực phẩm này nhiều hơn. 

Sử dụng protein tốt cho sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet

Thứ năm, ưu tiên sử dụng chất béo từ thực vật

Bạn có thể sử dụng dầu từ đậu nành, hạt lanh, hạt cải, ô-liu. Nếu sử dụng chất béo từ động vật có thể dẫn tới thừa chất béo bão hòa là chất béo gây ra nhiều bệnh chuyển hóa, ảnh hưởng tới tình trạng tim mạch. Ngoài ra, bạn không nên dùng dầu cọ, dầu dừa vì trong hai dầu này cũng chứa nhiều chất béo bão hòa.

Tuy nhiên, bạn không nên bỏ mỡ động vật ra khỏi gian bếp nhà mình. Khi chiên rán ở nhiệt độ cao bạn có thể sử dụng mỡ lợn, còn chế biến ở nhiệt độ thấp nên dùng dầu thực vật. 

Chất béo thực vật - Ảnh minh họa: Internet

Thứ sáu, hạn chế sử dụng thực phẩm siêu chế biến

Đây là các thực phẩm sản xuất công nghiệp. Chúng thường được thêm nhiều loại phụ gia thực phẩm như muối,  chất béo, đường, chất bảo quản… để lưu trữ được lâu hơn nhưng lại ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài ra, khi bạn ăn quá nhiều thực phẩm này con người sẽ trở nên lười vận động, ăn uống không đúng giờ giấc tăng nguy cơ thừa cân béo phì. 

Thứ bảy, giảm tiêu thụ đường

Đường trong thực phẩm, đồ uống được bổ sung trong quá trình chế biến làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, thừa cân béo phì. Hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo đường bổ sung với phụ nữ không quá 24g, nam giới không quá 36g/ngày.