Chồng tôi người Bắc. Là “tập hai” của nhau khi cả hai đã trải qua nhiều sóng gió nên tôi rất thoáng trong cách sống. Hàng tháng anh muốn đưa tiền bao nhiêu thì đưa, nhà thì đã có sẵn của tôi trước khi kết hôn nên chúng tôi cũng chẳng bận tâm chuyện sắm sửa tạo dựng. Cả hai đều đã có con riêng, nhưng con anh thì sống với mẹ, con tôi sống chung với chúng tôi và tôi cũng đã sinh thêm một đứa con với anh.

Thế nhưng sáu năm hôn nhân là sáu cái tết căn nhà tôi chỉ có mấy mẹ con quanh quẩn bởi chồng tôi đều phải về quê với lý do: “Truyền thống người Bắc của anh là cả năm bôn ba ở đâu không biết, cuối năm là phải về nhà”. Tôi nhiều lần ý kiến, thay vì cứ về quê đúng dịp tết thì anh nên xin nghỉ phép vào đầu tháng 11 hoặc dịp hè cả nhà sẽ cùng về quê thăm mẹ. Chứ cuối năm chật vật tàu xe mà tôi bị chứng viêm xoang không chịu được cái lạnh của miền Bắc. Thêm nữa là nhà có shop quần áo, cuối năm là dịp buôn bán nên càng không thể bỏ công việc để về Bắc ăn tết.

Ảnh minh họa: Internet

Cãi qua cãi về, anh bảo: “Tôi lấy vợ chứ không bỏ quê hương. Thuyền theo lái, gái theo chồng, cô không theo tôi được thì mình tôi cũng về quê chứ không thể vì tiếng ăn tết miền Nam mà tôi bỏ tết truyền thống của quê hương tôi”. Chuyện nhà tôi, đến khi anh xưng “tôi” là vợ phải biết cơn nóng giận đã kịch trần, chỉ có im lặng là cách để khỏi cháy nhà.

Công bằng mà nói chuyện “tết ở quê nào”, trước khi quyết định kết hôn chúng tôi đã bàn kỹ. Nhưng lúc ấy anh hào hứng: “Tết ở đâu chẳng được, miễn vui vẻ và sum họp là được rồi”. Tôi đinh ninh lời nói ấy nên cưới nhau và cùng xây đắp. Ai ngờ anh chỉ muốn sum họp… ở quê anh. Và càng khó xử cho tôi hơn khi những ngày tết, vợ cũ anh hay đưa con về thăm ông bà nội, bé gái 10 tuổi ấy rất xinh xắn ngoan ngoãn và ông bà rất yêu. Quan trọng nhất là vợ anh vẫn chưa lập gia đình mới.

Tôi vài lần xa xôi bóng gió về chuyện “tình cũ” thì anh gạt đi: “Thằng này chả dại ăn lại cái máng đã bỏ nhé!”, nên tôi không còn lý do gì để nói.

Rồi thời gian về quê của anh khá dài, từ đầu tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng mới xem là “hết tết”. Ấy là chưa kể, quà cáp mang về phải rất nhiều, anh bảo rằng ở quê người ta quý tấm lòng người đi xa, chứ chẳng phải đơn giản như người miền Nam, cái gì cũng qua loa đại khái.
 
Ví dụ người Nam có bạn đi xa về thì bạn ấy chỉ cần tặng quà “đại diện” cho các thành viên trong gia đình bạn mình là được. Còn như anh, tới nhà bạn mình mà có năm, ba người thì phải có quà cho tất cả, từ cụ già đến trẻ em nhà bạn. Đó là thể hiện sự tôn trọng mà cũng là sĩ diện của người đi xa về.
Ảnh minh họa: Internet

Tôi từng khổ sở với vấn đề quà cáp nhưng “cố lắm rồi cũng qua”, dù biết tài chính hao hụt rất nhiều nhưng “người làm ra của” nên cứ để chồng vui.

Chỉ là mùa xuân này tôi vừa té xe gãy chân, nhà cửa, bán buôn và chăm lo hai con, đứa 12 đứa lên 5 rất khó nên tôi bảo anh ở lại để đỡ đần vợ thì anh cười:

- Gãy có cái chân mà em làm như gãy cả cặp vậy à! Anh đi rồi anh về chứ có ở luôn ngoài ấy đâu mà sợ? Không lo hết việc nhà thì thuê ô sin chứ ai bảo em cố. Nhà anh còn đầy việc kia!

Tôi chẳng biết anh “đầy việc” gì ở quê khi mà anh là con trai giữa, bố mất đã lâu, mẹ sống cùng bác Cả, gia cảnh bác ấy cũng khá giả hơn chúng tôi.

Nhìn chồng kéo vali ra cửa mà nước mắt tôi chảy ngược vào lòng. Tôi có chồng mà sao lại như mẹ đơn thân trong những ngày tết thế này? Tôi có tội gì để không được chồng yêu quý đỡ nâng trong những lúc đặc biệt như thế?

Bao câu hỏi dồn dập, cái chân đơ vì bó bột chợt đau nhức khôn cùng. Nhìn qua hàng xóm, thấp thoáng vợ chồng họ đang náo nức cùng con cái chuẩn bị nhà cửa đón tết mà tôi mủi lòng quá đỗi.