Gan là một cơ quan lớn nằm phía trên bên phải bụng. Nó có một số chức năng quan trọng đối với sức khỏe của bạn như thải độc, sản xuất mật, dự trữ năng lượng… 

Một số chất và tình trạng bệnh có thể gây tổn thương gan và có khả năng dẫn đến sẹo. Khi mô sẹo tích tụ trong gan, nó có thể thay thế mô gan khỏe mạnh. Điều này có nghĩa là gan của bạn phải làm việc nhiều hơn để thực hiện công việc của mình.

Ở giai đoạn đầu, bạn có thể đảo ngược tổn thương gan. Trên thực tế, có một số cách bạn có thể giúp gan được nghỉ ngơi và ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn.

Để có sức khỏe tốt, bạn cần bảo vệ lá gan khỏe mạnh (Ảnh: Quora).

Những dấu hiệu sớm cho thấy gan bị tổn thương

Ở giai đoạn đầu, các tổn thương gan có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi có triệu chứng, chúng có thể bao gồm:

- Đau hoặc sưng ở phần trên bên phải của bụng. 

- Ăn mất ngon. 

- Giảm cân không rõ nguyên nhân.

- Mệt mỏi. 

- Buồn nôn hoặc nôn mửa. 

Điều quan trọng, nhận ra các dấu hiệu sớm của tổn thương gan để bạn có thể thực hiện các bước nhằm cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa tổn thương thêm. 

Điều gì có thể gây tổn thương gan?

Rượu là yếu tố hàng đầu gây tổn thương gan. Khi uống rượu vừa phải, các enzyme trong gan của bạn sẽ hoạt động để phân hủy rượu một cách hiệu quả. Tuy nhiên, khi bạn uống quá nhiều rượu, nó không thể bị phân hủy nhanh chóng.

Rượu và các sản phẩm phụ của nó có thể làm hỏng tế bào gan khiến gan bị tổn thương viêm. Rượu cũng có thể ức chế sự phân hủy chất béo, dẫn đến tích tụ chất béo trong gan (gan nhiễm mỡ).

Theo Hội Gan Mật Việt Nam, khi rượu (cồn) bạn uống vào, quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể tạo ra những chất cực độc.

Các chất này làm biến đổi chuyển hóa cục bộ ở gan, quá trình tân tạo đường giảm sút (tân tạo đường là quá trình sử dụng acid amin trong cơ thể để tạo thành glucose) và gia tăng tổng hợp acid béo, triglycerid dẫn tới tăng mỡ máu, từ đó kích hoạt quá trình viêm và phá hủy tế bào gan.

Rượu là yếu tố hàng đầu gây tổn thương gan (Ảnh: G.L).

Dần dần, các mô sẹo sẽ thay thế các tế bào gan khỏe dẫn đến xơ gan và suy giảm chức năng gan. Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh viêm gan do rượu.

Khi bạn nhiễm virus viêm gan C, đồng thời uống nhiều rượu sẽ có nguy cơ xơ gan cao hơn khi bạn không uống rượu.

Theo nghiên cứu, các trường hợp viêm gan do rượu hầu hết xảy ra ở người uống một lượng rượu lớn trong một hoặc nhiều năm. Tuy nhiên, không chỉ những người nghiện rượu nặng, những người uống rượu trong khoảng thời gian ngắn nhưng với một lượng lớn và liên tục cũng có thể dẫn đến viêm gan. 

Rượu không phải là yếu tố duy nhất có thể dẫn đến tổn thương gan. Các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây tổn thương gan bao gồm:

- Các tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến gan, chẳng hạn như viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C. 

- Bệnh tự miễn chẳng hạn như viêm gan tự miễn và viêm đường mật nguyên phát. 

- Tích tụ mỡ thừa trong gan không liên quan đến việc uống rượu (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu). 

- Một số loại thuốc hoặc chất bổ sung, bao gồm acetaminophen, một số loại kháng sinh...

- Bệnh di truyền như bệnh hemochromatosis và bệnh Wilson. 

- Tiếp xúc với hóa chất công nghiệp. 

- Ung thư gan hoặc ung thư bắt đầu ở nơi khác và lan đến gan. 

Bạn có thể làm gì để giúp gan nghỉ ngơi và phục hồi?

May mắn thay, có những bước bạn có thể thực hiện để cải thiện sức khỏe của gan hoặc ngăn ngừa tổn thương gan xảy ra ngay từ đầu. 

Cụ thể: 

Uống rượu có chừng mực hoặc không uống 

Tiêu thụ rượu quá mức có thể gây căng thẳng cho gan và dẫn đến tổn thương. Bạn có thể giúp gan được nghỉ ngơi bằng cách tập trung vào việc uống rượu vừa phải hoặc không uống. Tiêu thụ rượu vừa phải được định nghĩa là hai ly mỗi ngày đối với nam và một ly mỗi ngày đối với nữ.

Gan nhiễm mỡ, loại bệnh gan liên quan đến rượu sớm nhất, có thể được chữa khỏi bằng cách kiêng rượu trong 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, đối với một số người mắc bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, thời gian kiêng khem này có thể cần dài hơn hoặc lâu dài.

Lạm dụng rượu kéo dài có thể dẫn đến tổn thương gan liên tục, cuối cùng có thể dẫn đến xơ gan. Khi gan đã bị xơ thì không thể phục hồi được.

Theo dõi thuốc và chất bổ sung 

Một số loại thuốc và chất bổ sung có thể gây thêm căng thẳng cho gan của bạn. Một số ví dụ trong số này bao gồm: Acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen, aspirin…), statin (thuốc dùng để điều trị cholesterol cao)…, các chất bổ sung như ma hoàng (ephedra), kava…

Bạn có thể giúp giảm bớt căng thẳng cho gan bằng cách chỉ dùng những loại thuốc hoặc chất bổ sung này khi thực sự cần thiết. Nếu bạn dùng chúng, hãy cẩn thận làm theo tất cả các hướng dẫn dùng thuốc và tránh dùng chúng kết hợp với rượu.

Quản lý cân nặng 

Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tình trạng chất béo dư thừa tích tụ trong gan. Điều này có thể dẫn đến tổn thương gan và viêm, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của gan.

Một cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là tập trung vào việc duy trì cân nặng khỏe mạnh. Cụ thể, duy trì hoạt động thể chất, ăn một chế độ ăn uống cân bằng, ăn khẩu phần ăn có kích thước phù hợp. 

Nếu bạn bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bác sĩ có thể tư vấn để giúp giảm bớt căng thẳng cho gan. Điều này thường bao gồm một chương trình giảm cân dần dần cùng với những thay đổi về chế độ ăn uống.

Tập trung vào chế độ ăn uống lành mạnh

Một cách khác để bạn có thể giúp gan được nghỉ ngơi là áp dụng chế độ ăn uống thân thiện với gan. Điều này bao gồm:

- Nhận đủ chất xơ từ các nguồn như ngũ cốc nguyên hạt cũng như trái cây và rau quả tươi. 

- Chọn các nguồn protein nạc, chẳng hạn như hải sản, thịt gia cầm không da hoặc các loại đậu, thay vì các loại thịt béo hơn. 

- Giảm lượng thức ăn hoặc đồ uống có nhiều đường, muối hoặc chất béo không lành mạnh.

- Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn và thay vào đó chọn thực phẩm nguyên chất. 

- Tránh động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín.

- Uống nhiều nước mỗi ngày. 

Một số loại bệnh về gan có thể cần điều chỉnh chế độ ăn uống cụ thể hơn. 

Ngăn ngừa nhiễm trùng

Viêm gan siêu vi có thể gây viêm gan, từ đó có thể dẫn đến tổn thương gan. Một số ví dụ về các bệnh nhiễm trùng này bao gồm viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C.

Viêm gan A thường tự khỏi. Tuy nhiên, viêm gan B hoặc viêm gan C có thể trở thành mãn tính, dẫn đến tổn thương gan thêm theo thời gian.

Bạn có thể tiêm vaccine ngừa viêm gan A, viêm gan B, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bấm móng tay hoặc bàn chải đánh răng, tránh tái sử dụng kim, đảm bảo thợ xăm hoặc thợ xỏ khuyên sử dụng kim dùng một lần và thiết bị vô trùng…

Đi khám bác sĩ thường xuyên

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn. Bác sĩ có thể giúp xác định và điều trị sớm mọi tình trạng sức khỏe tiềm ẩn trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hoặc phức tạp hơn.

Ngoài ra, nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu sớm nào của tổn thương gan, hãy nhớ đi khám sớm. Họ có thể giúp đánh giá tình trạng của bạn và vạch ra kế hoạch điều trị để đảm bảo gan của bạn được nghỉ ngơi và điều trị cần thiết.

Gan có thể tái tạo được không?

Một trong những điểm độc đáo của gan là nó có khả năng tái tạo. Điều này có nghĩa là sau khi bị tổn thương hoặc sau khi mô bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật, mô gan có thể phát triển trở lại.

Quá trình tái tạo gan có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh gan mãn tính. Điều này có nghĩa là tình trạng gan mãn tính có thể cản trở quá trình tái tạo do sự xuất hiện của sẹo và viêm mãn tính.