Xót xa vác bụng bầu đi xét nghiệm ADN

Bụng chửa vượt mặt, sắp đến ngày dự sinh nhưng Thanh vẫn kiên quyết làm xét nghiệm ADN để xác định huyết thống cho thai nhi với bố.

Tiếp nhận trường hợp này, ThS. Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền đã khuyên Thanh nên chờ thêm vài tuần nữa, đứa trẻ ra đời rồi làm xét nghiệm một thể, đỡ mất công chọc ối.

Thế nhưng Thanh không thể chờ thêm nữa. Chỉ cho đến khi có kết quả khẳng định đứa trẻ trong bụng là “con ruột”, Thanh mới bật khóc nức nở.

Thanh lấy chồng khi cái thai trong bụng đã được 3 tháng. Bao lâu nay, Thanh bị nhà chồng ruồng rẫy vì họ nghi ngờ thai nhi trong bụng cô không dính líu máu mủ vì hai người đến với nhau quá nhanh.

Hàng xóm lại độc mồm độc miệng bóng gió nói chồng Thanh chỉ là kẻ “đổ vỏ”. Không thể chịu nổi việc bị xúc phạm phẩm hạnh, dù cận kề ngày sinh con, Thanh vẫn muốn làm mọi chuyện ra nhẽ.

Rất nhiều phụ nữ tương tự như Thanh đã tìm đến trung tâm này để được hóa giải nỗi oan. Có một sự thật không ai có thể chối cãi là ngày nay, rất nhiều gia đình đã ép con dâu tương lai trót “ăn cơm trước kẻng” phải đi xét nghiệm ADN thai nhi trong bụng.

Nếu đứa trẻ đúng là máu mủ, họ mới cho cưới. Bởi họ sợ phải “đổ vỏ”, “nuôi con tu hú”. Xét nghiệm tìm huyết thống của thai nhi đã trở thành nhu cầu “nóng” trong xã hội hiện đại.

Tính đến nay, Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền đã từng làm xét nghiệm để tìm quan hệ huyết thống trước sinh cho hơn 1000 ca.

Phương pháp xét nghiệm ADN để tìm quan hệ huyết thống khi đứa trẻ còn là thai nhi nhờ vào một lượng nước ối nhỏ được hút từ túi ối qua thành bụng người mẹ. Nước ối mang nhiều ADN của đứa trẻ nên sẽ cho ra kết quả chính xác đứa trẻ có phải là con của người cha hoặc người mẹ nghi vấn hay không?

Theo đó, bao nhiêu hoàn cảnh “dở khóc dở cười” đã xảy ra khi người mẹ vác bụng bầu đi xét nghiệm ADN của thai nhi.

Bí mật xét nghiệm ADN của người mẹ “trứng lép” 

Xét nghiệm ADN cho ra kết quả thai nhi “không phải là con của bố” thì rất nhiều thế nhưng thai nhi không phải là con của mẹ thì 15 năm nay, bà Nga mới gặp duy nhất một ca.

Ở trường hợp hy hữu này, chồng là người nước ngoài, còn vợ là người Việt. Với thủ tục xuất cảnh lấy chồng nước ngoài hiện nay, một phụ nữ muốn ra nước ngoài với chồng phải có giấy tờ kết quả xét nghiệm ADN trong hồ sơ nếu như họ đã có con hoặc người vợ đang mang thai.

Thai nhi trong bụng mẹ nhưng chỉ là con của bố, kết quả hy hữu xảy ra khi xét nghiệm ADN. Ảnh: Thu Hà

Kết quả ADN giữa người bố và đứa trẻ trong bụng mẹ hoặc đứa trẻ đã ra đời là căn cứ để quyết định họ có được xuất cảnh hay không?

Người mẹ đến nhận kết quả “là con ruột” với một tâm trạng vui vẻ. Thế nhưng khi xem kỹ tờ kết quả, chị kinh ngạc thốt lên: “Đứa bé nằm trong bụng cháu, nước ối lấy từ bụng cháu thì đương nhiên phải là con của cháu chứ? Rõ ràng nó là con của chồng cháu rồi mà? Nó phải là con của cháu nữa chứ ạ?”.

Với trường hợp này, khi có kết quả xét nghiệm bà Nga đã rất thận trọng. “Chúng tôi phải rà soát lại các khâu xem có bị nhầm lẫn người mẹ nào đó trong quá trình xét nghiệm không. Nhưng không hề có sự nhầm lẫn nào cả. Ca này vẫn được kết luận thai nhi là con của bố, không phải con của mẹ. Đúng vậy, đứa trẻ là con của mẹ vì người mẹ sinh ra nhưng tiếc thay về bản chất lại không có huyết thống, máu mủ gì với người mẹ”, Th.S. Nga nhớ lại.

Điều đó có nghĩa là thai nhi được hình thành từ trứng của người phụ nữ khác chứ không phải trứng của mẹ. Hóa ra người mẹ bị bệnh trứng lép, lấy chồng nước ngoài đã lâu mà không có một mụn con.

Các bác sĩ đã khuyên chị hãy thụ tinh nhân tạo để có con. Biết tin chị có thai, bố mẹ chồng đã thúc giục hai vợ chồng sang bên kia để họ chăm sóc. Giờ kết quả “lỡ dở” thế này, chị cũng không biết có được xuất cảnh theo chồng hay không?

Bà Nga khuyên người mẹ nên nói thật khi phỏng vấn làm hồ sơ xuất cảnh bởi với người mẹ hiếm muộn cùng đường như chị, thụ tinh nhân tạo để có con là nguyện vọng chính đáng. Có con là điều rất đáng mừng sau nhiều năm đằng đẵng điều trị.

Ngay tại trung tâm này, có người mẹ hiếm muộn không được may mắn như chị. Chính bà Nga đã xét nghiệm ADN cho một cặp vợ chồng với đứa con trong ống nghiệm không mang gen của bố mà cũng không mang gen của mẹ. Họ gần như khóc khi nói với bà Nga: “Giá như đứa trẻ chỉ cần là con của một trong hai vợ chồng thì tốt biết mấy”.

Dẫu vậy, cặp vợ chồng này vẫn quyết định sẽ yêu thương đứa trẻ không cùng huyết thống bởi họ đã mong con quá lâu rồi.

Mời độc giả Phụ nữ Sức khỏe đón đọc kỳ 4: Chuyện ly kỳ trong phòng xét nghiệm ADN: Lật tẩy "tình một đêm".