Ông giáo cao tuổi chép sử làng

Tôi tìm về nhà ông giáo Đặng Đình Thiêm (SN 1936) tại làng Hoàng Xá (nay là thôn Hoàng Xá), thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội vào những ngày đầu thu Hà Nội. Đây cũng là những ngày rộn ràng khi mùa cưới bắt đầu, hàng trăm đôi nam nữ đã lựa chọn tháng 9 mùa thu để kết tóc se duyên, bước lên một hành trình mới trong cuộc đời mình.

Hai vợ chồng ông giáo Thiêm dù đã ngoài 80 nhưng còn rất minh mẫn. Khi nghe tôi giới thiệu là phóng viên, ông giáo già cùng vợ đầy niềm nở đón tôi vào nhà bằng tấm lòng hiếu khách của làng Hoàng Xá.

 

Làng Hoàng Xá không có cổng làng, đường rộng thênh thang.

Ông Thiêm cho biết, hơn 80 năm cuộc đời, ông dành đến 42 năm làm nghề “gõ đầu trẻ”. Từ ngày còn trẻ, ông đã bôn ba ngược xuôi khắp các xã, các huyện miền núi cho đến khi quay trở lại quê hương Ứng Hòa công tác trước khi nghỉ hưu. Giờ đây, khi đã an nhàn tuổi già bên vợ, ông Thiêm lựa chọn trở thành người viết sử làng Hoàng Xá và cũng là một cây bút viết văn hóa của Hội Nhà văn.

“Trước khi nói đến những tập tục kỳ lạ, độc đáo mà chỉ riêng làng tôi mới có thì phải nói đến đặc điểm của làng Hoàng Xá. Khác với các ngôi làng khác chỉ thu gọn trong lũy tre làng, làng Hoàng Xá là một ngôi làng “mở”. Làng tôi xưa nay không có cổng làng, đường rộng thênh thang như đường Quốc lộ”, ông giáo Thiêm nói.

Theo ông giáo Đặng Đình Thiêm, dân làng Hoàng Xá trước nay sống bằng các nghề như làm vàng mã, làm mộc nhưng nhiều hơn cả lại là nghề kinh doanh, buôn bán. Kỳ lạ ở chỗ, chỉ có phụ nữ làng Hoàng Xá đi kinh doanh trong khi các đấng mày râu đóng vai trò phụ vợ.

Gái tài giỏi nhưng trai “thiên hạ” không dám bén mảng

Ông giáo Đặng Đình Thiêm, một trong những tác giả của cuốn sách Lệ hay tục lạ Thăng Long cho biết người dân huyện Ứng Hòa xưa lưu truyền câu nói “Vật thú Hoa Đình thê”, tức là không nên lấy vợ Hoa Đình. Hoa Đình xưa bao gồm 3 làng: Hoàng Xá, Đình Tràng và Lương Xá (cùng thuộc xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa nay).

Theo ông Thiêm, sở dĩ lưu truyền câu nói trên vì con gái Hoa Đình nổi tiếng xinh đẹp, tài giỏi, nết na nên trở thành cô nàng trong mộng của biết bao trai làng khác. Tuy nhiên, vì tục thách cưới cao ngất ngưởng đã khiến bao nhiêu chàng trai chùn bước, chỉ có thể ngắm nhìn từ xa.

“Tôi được nghe truyền ngôn của các cụ cao niên từ ngày còn bé rằng, phàm là người thiên hạ (người khác làng) đến cưới con gái Hoa Đình, trước tiên phải đáp ứng đủ lễ “cheo cưới” cho làng.

Theo đó, người ta sẽ vắt một sợi dây mây qua mái đình, một bên cột chiếc cối đá, một bên để trống. Nhà trai sẽ phải dùng tiền đồng buộc ở đầu bên kia làm sao cho cân bằng với chiếc cối đá thì mới coi như vượt qua được việc cheo cưới của làng”, ông Thiêm kể.

Sau khi qua được tục cheo cưới, nhà trai tiếp tục phải “chiến đấu” trong việc bàn bạc, thách cưới của nhà gái.

“Việc thách cưới thì tùy thuộc vào quyền quyết định của riêng nhà gái nhưng theo tôi được biết thì lễ thách cưới cũng rất cao”, ông Thiêm cho hay.

Chưa dừng lại, khi vượt qua cả cheo cưới và thách cưới, nhà trai đôi khi còn vấp phải sự “ngáng chân” của các trai làng Hoa Đình xưa. Vào ngày đón dâu, các trai làng sẽ kéo dây, chắn đường đòi tiền “mãi lộ”. Các chốt chặn này nhiều hay ít còn tùy thuộc vào cô dâu nổi tiếng xinh đẹp, ngoan hiền thế nào trong làng.

“Đối với những cô được xếp vào hàng hoa khôi mà tài giỏi nổi bật, các trai làng ngoài đòi tiền mãi lộ còn ra câu đối cho họ nhà trai, nếu không đối lại được thì chỉ có nước xì tiền nhiều hơn mức bình thường mới được qua chốt”, ông Thiêm cười chia sẻ.

Ông giáo Đặng Đình Thiêm, một trong nhiều tác giả cuốn sách Lệ hay tục lạ Thăng Long.

Cô gái đẹp, giỏi nhất làng xuất giá theo con đại gia nội thành

Ông giáo Đặng Đình Thiêm cho biết đám cưới cuối cùng còn theo tục lệ Hoa Đình xưa mà ông được biết đó là đám cưới giữa bà Trần Thị Tuyến và ông Hai Cát (con một đại gia ở phố Bạch Mai, Hà Nội) vào những năm 1935 – 1936.

“Đám cưới của bà Tuyến ngày ấy đã trở thành chủ đề bàn tán xôn xao suốt những năm tháng tôi còn nhỏ. Họ nhà gái lúc bấy giờ đã thách nhà ông Hai Cát sính lễ 20 cây vàng, 3 hòm quần áo cho cô dâu, 1 hòm quần áo cho em cô dâu, lễ đón dâu phải có 10 xe ô tô, trầu cau tiền bạc nhiều không kể”, ông Thiêm nhớ lại.

Thế nhưng vào ngày đón dâu, nhà trai chuẩn bị đầy đủ sính lễ nhưng chỉ mang 16 cây vàng. Lúc này, đại diện họ nhà trai mới đứng lên phát biểu, mong họ nhà gái thông cảm.

“Mẹ đẻ bà Tuyến thấy vậy mới bảo người nhà lấy thêm 4 cây vàng từ trong buồng ra, đặt lên mâm sính lễ. Trước mặt họ hàng đôi bên và bà con lối xóm, mẹ bà Tuyến tuyên bố tất cả sính lễ trao hết cho con gái, lót tay đưa con về nhà chồng”, ông Thiêm kể.

Theo ông Thiêm, bà Tuyến đã có một cuộc sống hạnh phúc khi sinh được cho chồng 11 người con đủ nếp đủ tẻ. Tất cả các con bà Tuyến đều học qua Đại học và làm những công việc khác nhau.

Những tập tục cheo cưới, thách cưới của Hoa Đình xưa và Hoàng Xá nay đã được thay đổi, giản lược đi rất nhiều sau năm 1945. Ngày nay, phong tục cưới hỏi tại làng Hoàng Xá không khác nhiều so với phong tục ở các vùng miền khác.