Chuyên gia Việt Nam nói gì về thuốc chống COVID-19 của Trung Quốc?
Trước thông tin Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc cho phép bán ra thị trường thuốc chống virus corona có tên Favilavir và một loại thuốc chống sốt rét cũng được bổ sung vào phác đồ điều trị các bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ ở Việt Nam cho biết cần thử nghiệm lâm sàng trên người trước khi sử dụng.
Chỉ nên dùng các thuốc có trong phác đồ mà Bộ Y tế và WHO khuyến cáo
Trả lời Tuổi Trẻ Online về cơ hội điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 bằng các loại thuốc mới, nhất là loại thuốc Favilavir mà Trung Quốc cho phép bán ra thị trường, ông Nguyễn Trung Cấp - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương - cho biết theo thông tin ông nắm được, loại thuốc này mới ở giai đoạn thử nghiệm chứ chưa phải đã được sử dụng rộng rãi.
"Phác đồ điều trị của Việt Nam được xây dựng dựa trên việc lựa chọn, áp dụng kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân từ nhiều quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc. Kết quả điều trị cho bệnh nhân giai đoạn vừa qua cho thấy có hiệu quả tốt. Tôi cho rằng chỉ nên sử dụng các loại thuốc, sẩn phẩm hỗ trợ có trong phác đồ của Bộ Y tế hoặc được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, khuyên dùng", ông Cấp nhấn mạnh.
Ông Cấp cũng đặc biệt lưu ý người dân không mua những sản phẩm được quảng cáo có tác dụng ngăn ngừa virus corona mà chưa có bằng chứng khoa học, rõ ràng, vì nguy cơ "bỏ tiền thật mua sản phẩm chất lượng tồi".
Ví dụ sản phẩm "thẻ đeo ngăn ngừa virus", "bút chống virus"... như thị trường đang rao bán. Xét trên cơ chế lây lan của bệnh thì những sản phẩm này không thể ngăn ngừa được virus corona.
Về khả năng có mặt tại Việt Nam của loại thuốc chống virus corona mà Trung Quốc vừa công bố bán ra thị trường, theo quy chế đăng ký lưu hành thuốc hiện hành của Bộ Y tế, tùy theo thuốc đó là thuốc mới hay thuốc đã được sử dụng nay được bổ sung tác dụng mới mà việc đăng ký lưu hành/đăng ký bổ sung tác dụng mới có khác nhau, đều đã quy định rõ trong thông tư 32 năm 2018 của Bộ Y tế. Trong đó quy định nếu là thuốc mới, ngoài các hồ sơ theo quy định, nhà sản xuất cần nộp kèm theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trên người.
Phải có thử nghiệm lâm sàng
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), một trong các bác sĩ trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) đầu tiên ở Việt Nam - cho biết việc cho phép bán thuốc mới tùy tính chất bệnh lý và quy định của mỗi nước.
Ở Việt Nam, nếu muốn đưa vào sử dụng trên người phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng và phải có chỉ đạo từ Bộ Y tế.
"Tôi có nghe nói bổ sung thuốc sốt rét vào phác đồ điều trị các bệnh nhân COVID-19 từ lâu nhưng ở Việt Nam, cụ thể Bệnh viện Chợ Rẫy, hoàn toàn chưa sử dụng thuốc nhóm này. Khi nhiễm SARS-Cov-2, nếu con người có sức miễn dịch tốt, cộng với việc chăm sóc điều trị khoa học thì khả năng loại trừ virus và hồi phục chỉ trong vòng từ 7-10 ngày", bác sĩ Sang nói.
Theo tìm hiểu, ở Việt Nam, Bộ Khoa học và công nghệ mới chỉ phê duyệt bổ sung đề tài độc lập cấp nhà nước "Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung Lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus corona mới".
Tuy nhiên đề tài này phải được thử nghiệm trong 4 tuần hoặc trên 10 người bệnh, và trong vòng 12 tháng phải làm rõ hiệu quả, tính an toàn (nếu sử dụng).
Lopinavir/ritonavir được biết đến là một loại công thức phối hợp liều cố định để điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS.
Bác sĩ Sang cũng chia sẻ về quá trình điều trị cho hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo đó, ngoài việc bố trí nơi ở, phòng ốc luôn trong tình trạng thoáng khí, có tiếp xúc với ánh sáng môi trường, hai bệnh nhân được điều trị hỗ trợ như hạ sốt, vệ sinh thân thể, hầu họng thật sạch, hỗ trợ vật lý trị liệu, cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Đặc biệt, ông Li Ding (người có nhiều bệnh lý nền) được chỉ định sử dụng thêm kháng sinh phối hợp tránh khả năng bị bội nhiễm, áp dụng vật lý trị liệu hô hấp tích cực như hướng dẫn tập thở, vỗ lưng cho bệnh nhân khạc đàm và tập vận động đi lại tăng sức cơ.
Xuyên suốt quá trình này, đường huyết, huyết áp và các bệnh lý nguy cơ như mạch vành, tim mạch đều được điều chỉnh ổn định. Đó chính là cơ sở cốt lõi để các bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....