Hình ảnh vệ tinh của bão Noru đang mạnh cấp 14-15 trên Biển Đông trưa 27/9. Ảnh: NICT.

Ana Clauren, chuyên gia thời tiết của Cục Quản lý Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA), cho biết trong khí tượng học, thời kỳ bão nhiệt đới mạnh lên nhanh chóng xảy ra khi sức gió duy trì tối đa của bão tăng hơn 65 km/h trong vòng 24 giờ, theo Inquirer.

Trong trường hợp của bão Noru, mức tăng của sức gió duy trì tối đa là 90 km/h trong 24 giờ.

“Việc bão nhiệt đới nhanh chóng mạnh lên hiếm khi xảy ra, nhưng đây không phải là lần đầu tiên điều đó xảy ra”, bà Claren nhận định.

“Nó thường xảy ra khi một cơn bão nhiệt đới sắp đổ bộ vào đất liền và điều kiện môi trường thuận lợi cho chúng hoạt động mạnh hơn nữa”, bà nói thêm.

Chiều 25/9, siêu bão Noru lần đầu tiên đổ bộ vào khu vực Burdeos (tỉnh Quezon), sau đó là Dingalan (tỉnh Aurora), gây thiệt hại lớn ở hai tỉnh này và các khu vực lân cận.

Trước đó, vào tháng 10/2020, siêu bão Rolly cũng đã mạnh lên nhanh chóng, bà Claren cho biết.

Bà Claren giải thích rằng có nhiều khả năng bão mạnh hơn khi nhiệt độ bề mặt biển cao. Theo bà, khi nhiệt độ bề mặt biển cao, bão càng nhận được nhiều năng lượng, và đó là lý do nó mạnh lên nhanh chóng.

Một lý do khác là gió đứt chiều dọc khi hoàn lưu của bão chỉ ở một khu vực, bà nói thêm.

Nhiều khu vực ở Philippines bị ngập lụt sau bão Noru. Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn của Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Philippines (NDRRMC) Raffy Alejandro cho biết bão Noru đã khiến 8 người thiệt mạng ở nước này.

Các nhà chức trách Philippines hôm 25/9 gấp rút phân phát viện trợ cho hàng nghìn người sơ tán sau khi bão Noru đổ bộ vào thủ đô và các tỉnh miền Bắc, khiến nhiều khu vực bị ngập lụt.

Tổng thống Ferdinand Marcos đã ra lệnh cung cấp vật tư bằng máy bay và cung cấp thiết bị dọn dẹp cho các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo Reuters.