Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành về hai phương án nghỉ Tết Âm lịch 2023. Phương án một là nghỉ 7 ngày từ 29 tháng chạp tới mùng 6 tháng giêng (20-26/1/2023). Phương án hai là nghỉ 9 ngày từ 30 tháng chạp tới mùng 8 tháng giêng (21-29/1/2023).

Cơ quan này đề xuất lựa chọn nghỉ 7 ngày gồm hai ngày trước và ba ngày sau Tết, cộng thêm ngày nghỉ bù hàng tuần để đảm bảo "tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài". Nếu theo lịch này, công chức, người lao động cả nước sẽ đi làm lại vào ngày mùng 6 Tết, sau đó nghỉ tiếp thứ bảy, chủ nhật.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho rằng nên nghỉ Tết sớm hơn để người lao động có thời gian chuẩn bị.

Thực tế, dù lựa chọn phương án nào thì số ngày nghỉ chính thức vẫn là 5 theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (Điều 112), số ngày còn lại là nghỉ hàng tuần hoặc nghỉ bù.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng cho rằng cả hai phương án nghỉ Tết này đều có mặt chưa hợp lý là thời gian nghỉ trước Tết quá ngắn. Bởi thực tế, kỳ nghỉ Tết chỉ có ý nghĩa nhiều với những người làm ăn xa xứ, người ở quê ra thành phố, người miền Bắc vào miền Nam lập nghiệp. Tết là dịp để họ về quê, tụ họp gia đình, gặp gỡ người thân bạn bè.

"Hai luồng di chuyển chủ yếu dịp Tết là từ thành thị về nông thôn và từ miền Nam ra miền Bắc. Số người ở quê đến thành phố lập nghiệp là rất lớn và số lao động từ Bắc vào Nam làm việc cũng rất đông. Nếu đến ngày 29, 30 âm lịch mới được nghỉ Tết thì e là sẽ gây áp lực quá lớn lên hệ thống giao thông vận tải. Bản thân người lao động cũng khó cảm thấy thoải mái khi 30 Tết mới về đến nhà, chẳng có nhiều thời gian chuẩn bị. Tôi cho rằng cần nghỉ Tết sớm hơn", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh chia sẻ.

Nếu cho nghỉ muộn quá, công nhân có thể tự xin nghỉ trước một vài ngày, doanh nghiệp cũng khó cản do tránh tranh chấp và tránh tình trạng lao động không trở lại nhà máy sau Tết.

Theo ông, vẫn là số ngày nghỉ đó (7 hoặc 9 ngày), nên bố trí cho người lao động nghỉ sớm từ 26 – 28/12 âm lịch. Sau Tết, mùng 4-5 đã có thể đi làm bởi khi đó các công việc cơ bản của Tết đã xong, tinh thần đa số người lao động đã sẵn sàng cho công việc mới.

Chuẩn bị cho Tết là khâu rộn ràng và rất quan trọng trong tâm lý nói chung của người Việt Nam. 3 ngày Tết diễn ra nhanh, nhưng thời gian chuẩn bị, không khí gia đình tụ họp bên nhau để dọn dẹp nhà cửa, gói bánh, nấu kẹo… nhiều khi quan trọng hơn cả những ngày Tết. Do vậy, theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên có các phương án nghỉ Tết linh hoạt hơn theo hướng cho người lao động nghỉ sớm hơn và ngày bắt đầu đi làm cũng sớm hơn.

Ông cho biết, kỳ nghỉ lễ Giáng sinh ở các nước phương Tây rất được coi trọng. Nhiều quốc gia cho người lao động được nghỉ từ 20-21/12 để họ có thời gian chuẩn bị buổi lễ. Ngay sau Noel, ngày 26/12 người lao động lại trở lại nhịp làm việc bình thường. Đây là cách bố trí kỳ nghỉ hợp lý. Đối với kỳ nghỉ Tết của Việt Nam cũng nên làm như vậy.

Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày sau đây: Tết Dương lịch: một ngày (1/1 hằng năm); Tết Âm lịch 5 ngày; một ngày dịp 30/4 và một ngày Quốc tế lao động 1/5; Quốc khánh 2 ngày (2/9 dương lịch và một ngày liền kề trước hoặc sau); Giỗ tổ Hùng Vương một ngày (10/3 âm lịch).