Siêu âm. Ảnh minh họa

ThS.BS Dương Thị Hải Ngọc, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho hay nhiễm khuẩn đường sinh sản là nhiễm trùng cơ quan sinh dục gặp ở nam và nữ, trong đó có 3 nhóm: nội sinh, ngoại sinh và lây truyền qua đường tình dục. Nguyên nhân nhiễm khuẩn đường sinh sản ở nữ giới đa phần là do nội sinh và ngoại sinh. 

Nguyên nhân nội sinh là do sự phát triển quá mức của các vi khuẩn và vi sinh vật có sẵn ở âm đạo (vi khuẩn, nấm...). 

Ngoài ra, sự mất cân bằng nội tiết khi mang thai, sau sinh, tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, stress… cũng có thể là nguyên nhân khiến cho phụ nữ dễ bị mắc bệnh phụ khoa.

Theo bác sĩ Hải Ngọc, nếu bệnh có nguyên nhân đến từ nội sinh thì thường dễ dàng chẩn đoán, điều trị khỏi.

Các yếu tố ngoại sinh thường do vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập vào đường sinh sản qua các thủ thuật can thiệp y tế chưa đảm bảo vô trùng, hay việc nạo phá thai, kế hoạch hóa gia đình tại những cơ sở y tế không uy tín.

Ngoài ra, việc quan hệ tình dục không được bảo vệ, quan hệ tình dục thô bạo cũng làm tổn thương âm đạo. Những vi khuẩn, vi sinh vật từ hậu môn thể đi sâu vào âm đạo và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Tại lễ phát động chiến dịch "20 triệu phụ nữ Việt Nam Phụ khoa đúng cách - hạnh phúc trọn vẹn", bác sĩ Hải Ngọc khuyến cáo nhiễm vi khuẩn đường sinh sản, bệnh phụ khoa nếu không được điều trị có thể tái nhiễm nhiều lần. Hậu quả gây ra là viêm vùng chậu, nhiễm trùng thai nghén, nhiễm trùng hậu sản, sảy thai, thai ngoài tử cung, đẻ non, nhiễm khuẩn sơ sinh…

Một số trường hợp viêm kéo dài gây ra viêm vòi trứng, tắc vòi trừng dẫn tới vô sinh, thậm chí ung thư cổ tử cung (nếu nhiễm virus HPV).

Gia tăng bệnh phụ khoa

Theo báo cáo thống kê từ các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, mỗi năm có 8.839.785 lượt khám phụ khoa và 3.674.276 lượt điều trị phụ khoa (41,5%).     

Bác sĩ Hải Ngọc cho hay số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng từ 15%-27%. Có tới 11% số ca mắc bệnh tái nhiễm nhiều lần.

Các dấu hiệu mắc bệnh phụ khoa là vùng kín có mùi hôi, tanh mùi chua; huyết trắng bất thường tiết ra nhiều, chuyển màu xanh xám hoặc vàng, có khi vón cục hoặc lỏng như nước; vùng kín ngứa ngáy, nhất là về đêm; đau rát khi đi tiểu hay giao hợp; chảy máu âm đạo bất thường, rối loạn kinh nguyệt.

Theo chuyên gia, để phòng ngừa nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh phụ khoa cần, vệ sinh cá nhân và vệ sinh kinh nguyệt đúng cách:

- Vệ sinh âm hộ hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng, lau khô bằng khăn sạch, phải lau từ trước ra sau.

- Băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm, thay băng vệ sinh mỗi 4-6 giờ

- Luôn giữ bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch.

- Tránh mặc quần chật, thay quần lót thường xuyên.

- Không dùng nước bẩn để rửa vùng kín. Không ngâm vùng kín.

- Không nên dùng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín.

- Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ.

- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm để được chẩn đoán, điều trị các bệnh phụ khoa kịp thời, triệt để.

- Khám các dịch vụ thai nghén, kế hoạch hoá gia đình, phá thai (nếu có) tại cơ sở y tế tin cậy, an toàn để hạn chế mắc bệnh phụ khoa do yếu tố ngoại sinh.