Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn khớp bị mòn và hư theo thời gian. Có nhiều nguyên nhân khiến khớp gối bị thoái hóa như: Chấn thương, chơi các môn thể thao đối kháng, viêm khớp không điều trị dứt điểm, di truyền,...

Trong đó, béo phì cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh thoái hóa khớp gối mỗi ngày một gia tăng.

Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn khớp bị mòn và hư theo thời gian - Ảnh minh họa: Internet

Trao đổi với Phụ nữ sức khỏe, ông Bạch Đình Trung Kiên, Chuyên viên khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng Đông y bệnh viện quận Tân Phú (TP HCM), cho biết: "Giữa các khớp có sụn khớp. Thoái hóa khớp là tình trạng phần sụn khớp bị bào mòn, dập nát,...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự lão hóa theo thời gian. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân thứ phát như: Luyện tập các môn thể thao đối kháng quá sức, lao động nặng, béo phì".

Tại sao người béo phì dễ bị thoái hóa khớp gối?

Thừa cân, béo phì là tình trạng cơ thể bị tích lũy quá nhiều năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ khiến vóc dáng cơ thể trở nên "quá khổ".

Muốn biết mình có bị béo phì hay không, bạn nên đo chỉ số BMI (Body Mass Index) = Cân nặng (kg) /Chiều cao (m) x Chiều cao (m).

Đối với nữ giới, nếu BMI>22, bạn gặp phải tình trạng thừa cân; BMI>27, bạn bị béo phì. Đối với nam giới, thừa cân khi BMI>25; béo phì khi BMI>30.

Người béo phì có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa xương khớp gấp 4-5 lần - Ảnh minh họa: Internet

"Bên cạnh các yếu tố nguy cơ: Tiểu đường, chấn thương do tai nạn, yếu tố nghề nghiệp,... thì thừa cân, béo phì là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối không thể xem thường. Hàng ngày, trong quá trình sinh hoạt, áp lực của toàn cơ thể đều "đè" lên các khớp gối. Nếu bạn thừa cân, béo phì, tình trạng thoái hóa khớp gối càng diễn ra nhanh hơn" - Ông Bạch Đình Trung Kiên cho biết.

Nhiều người nghĩ rằng khi bị thừa cân, béo phì mà cơ thể vẫn khỏe mạnh thì không nên quá lo lắng. Thực tế, thừa cân, béo phì trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như: Tim mạch do xơ vữa, tiểu đường, máu nhiễm mỡ,... Trong đó, hậu quả thường thấy của tình trạng thừa cân, béo phì là bị thoái hóa khớp gối.

Tình trạng béo phì làm tăng gấp 4-5 lần nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối - Ảnh minh họa: Internet

Tình trạng béo phì làm tăng gấp 4-5 lần nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là yếu tố cơ học. Trọng lượng cơ thể dồn lên hai khớp gối quá nhiều, mất cân đối khiến sụn khớp quá tải. Theo thời gian, sụn khớp sẽ bị hao mòn, nghiền nát.

Một lý do khác khiến người béo phì dễ bị thoái hóa khớp gối là ảnh hưởng của mô mỡ tổng hợp nhiều hormone và nhiều yếu tố phát triển gây tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, lâu dần dẫn đến thoái hóa khớp.

Ngoài ra, khi bị béo phì, trục khớp bị lệch ra ngoài hoặc vào trong cùng khiến các đầu khớp dễ bị tổn thương hơn.

Phụ nữ béo phì sau mãn kinh càng dễ bị thoái hóa khớp gối - Ảnh minh họa: Internet

Đặc biệt, phụ nữ béo phì sau mãn kinh càng dễ bị thoái hóa khớp gối. Thời kỳ kinh nguyệt, hormone estrogen được sản sinh, góp phần bảo vệ chống lại quá trình thoái hóa khớp.

Trong khi đó, ở phụ nữ mãn kinh, lượng hormone này bị sụt giảm. Lúc này, nếu không kiểm soát chế độ ăn uống cũng như cân nặng, phụ nữ giai đoạn mãn kinh rất dễ bị thừa cân, béo phì, gây ra thoái hóa khớp gối.

Ở nam giới, người bị thừa cân, béo phì và tăng acid uric trong máu làm gia tăng khả năng mắc bệnh gout. Hàm lượng acid uric lắng đọng lâu ngày ở các mô và ổ khớp gây viêm khớp.

Biện pháp ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp do thừa cân, béo phì

Thoái hóa khớp gối không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày cũng như chất lượng cuộc sống. Do đó, cần phải có những biện pháp phòng chống bệnh, ngăn ngừa thoái hóa khớp tiến triển thêm, mang lại sự dễ chịu trong sinh hoạt hàng ngày.

Ông Bạch Đình Trung Kiên cho biết: "Thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng không thể chữa trị dứt điểm. Các bước điều trị chủ yếu là ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thêm. Biết được nguyên nhân của bệnh thoái hóa khớp gối là một trong những điều quan trọng để tìm ra giải pháp ngăn ngừa và điều trị căn bệnh này".

Giảm cân

Giảm cân là điều tiên quyết phải làm khi bị thừa cân, béo phì dẫn đến thoái hóa khớp gối.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu giảm 5kg trong 10 năm thì nguy cơ thoái hóa khớp gối sẽ giảm 50%. Nếu cơ thể tăng trọng lượng thêm 1 đơn vị thì mỗi gối phải chịu áp lực gấp 2-3 lần trọng lượng đó.

Bạn nên giảm lượng calo đưa vào cơ thể và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để có giải pháp tốt nhất.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống không hợp lý là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thừa cân, béo phì càng gia tăng.

Ở nam giới, đi cùng với thừa cân là bệnh gout - bệnh lý liên quan đến chuyển hóa purin, lượng acid uric dư thừa lâu ngày trong máu kết tủa dưới da, thận và trong khớp gây những cơn sưng đau cấp ở khớp và quanh khớp.

Bổ sung nhiều rau củ vào bữa ăn hàng ngày để tốt cho sức khỏe hệ xương khớp - Ảnh minh họa: Internet

Ở những đối tượng này, nên chú ý đến chế độ ăn uống không chứa cồn, hạn chế các thực phẩm gây rối loạn lipid máu. Đồng thời, phải tăng cường ăn rau củ; hạn chế thịt, cá, tôm, cua,... và thức ăn nhiều đạm.

Luyện tập thể dục đúng cách

Với những ngươi thừa cân béo phì, họ thường đi bộ nhiều để giảm cân. Tuy nhiên, nhiều người thường mắc phải tình trạng lạm dụng việc đi bộ quá nhiều dẫn đến các khớp gối chịu áp lực, hoạt động quá tải nên càng dễ mòn và nhanh hư hơn.

Đi bộ và luyện tập thể dục đúng cách để tránh tổn thương đến xương khớp - Ảnh minh họa: Internet

Như vậy, luyện tập thể dục với tần suất vừa phải, điều độ là việc mà người thừa cân, béo phì phải thực hiện nghiêm túc để giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp. Mỗi ngày, bạn nên hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể và đi bộ khoảng 15 phút để tiêu hao năng lượng.