Phận đàn bà và mối nghi ngờ phẩm hạnh

Chiều 28 Tết, khi bà Nga đang cần tìm người giúp việc bố trí lại nội thất phòng khách để đón xuân thì gặp người phụ nữ tên Thảo ở “chợ người”. Nhìn chị có vẻ rất quen, bà nhớ ra đúng là khách hàng đã từng tới Trung tâm của bà để xét nghiệm ADN.

Hình ảnh tội nghiệp của chị Thảo hôm tới Trung tâm làm xét nghiệm khác hoàn toàn dáng vẻ nhanh nhẹn, tháo vát khi khuân vác đồ đạc chiều nay.

Ẩn sau mỗi người phụ nữ từ nông thôn bươn chải kiếm sống nơi thành thị là một cuộc đời, một số phận khác nhau. Ảnh: Thu Hà

Chị có hai cậu con trai rất kháu khỉnh, đáng yêu. Còn người chồng từ một thanh niên khỏe mạnh, sáng dạ đã trở thành ngơ ngẩn, tâm thần sau sự cố tai nạn giao thông.

Sau khi chồng bị tai nạn, chị thường xuyên lên Hà Nội để kiếm việc. Lúc thì theo đám đàn ông, lúc lại theo đám đàn bà. Điều đó khiến người trong gia đình nhà chồng nghi ngờ chị làm điều gì đó mờ ám khi lên Hà Nội.

Người đàn bà đưa chị đi làm xét nghiệm hôm đó thanh minh: “Đúng là hoàn cảnh của chị ấy rất tội, thế nhưng chồng ngơ ngẩn mà vợ đẻ hai đứa con kháu khỉnh, vợ hay vắng nhà nữa, ai chẳng nghi ngờ. Chúng tôi biết có thể đã xúc phạm đến chị ấy nhưng đây cũng là điều cần làm. Nếu đúng là con cháu chúng tôi, chúng tôi sẽ có trách nhiệm cùng mẹ nó nuôi cháu nên người”.

Thật đáng mừng là kết quả xét nghiệm cho thấy, chị Thảo là người vợ thủy chung với chồng. Hai đứa trẻ chính xác là con của anh, dù nay anh không còn trí tuệ bình thường nữa. Để có những đồng tiền chân chính nuôi con, chị chấp nhận ra thành phố làm những công việc nặng nhọc. Thậm chí đến tận chiều 28 Tết, khi dòng người hối hả đi mua sắm thì chị vẫn ngồi lặng lẽ một góc để chờ việc. Vậy mà người ta nghi oan phẩm hạnh của chị…

“Cứ nghĩ đến trường hợp của chị Thảo, tôi lại dấy lên trong lòng cảm xúc rất khó tả. Những người phụ nữ nông thôn chịu thương chịu khó, rất yêu chồng con và luôn cam chịu. Họ xứng đáng được tôn trọng thay vì ngờ vực, áp lực đến nỗi phải đi xét nghiệm ADN để chứng minh phẩm hạnh”, bà Nga bày tỏ.

Sự phản bội nhân ái của người chồng khiến ai cũng rớt nước mắt

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Nga, những câu chuyện nhân văn chiếm tới 30% trong số các ca khách hàng tới xét nghiệm ADN.

Có một trường hợp mẹ sinh con ngoài ý muốn, không có khả năng nuôi nấng nên đã gửi con ở cửa chùa/ Sau này, bà mẹ vẫn theo dõi đứa trẻ để biết con đã lớn lên ra sao. Đến khi con được một gia đình nhận làm con nuôi, chị đã bỏ mọi việc để xin vào gia đình đó làm giúp việc.

Th.S Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền. Ảnh: Thu Hà

Mọi người trong nhà không ai biết chị chính là mẹ đẻ của đứa trẻ. Họ rất quý chị vì chị tận tâm chăm sóc đứa bé. Thậm chí có lần đứa trẻ bị tai nạn, chị sẵn sàng hiến máu cứu cháu bé.

Trong quá trình hiến máu đó, chị đã bí mật lấy mẫu đi xét nghiệm ADN để chắc chắn đứa trẻ đó là con ruột của mình.

“Nhận trên tay tờ kết quả, chị nói chị mãn nguyện và sẽ tận tâm tận lực đến cùng để chăm sóc đứa trẻ. Những câu chuyện thấm đẫm tình người, kết quả tốt đẹp đó luôn khiến tôi vô cùng hạnh phúc.

Mỗi người đều luôn nghĩ cho người kia. Vì một lý do nào đó người mẹ phải rời xa giọt máu của mình, để rồi sau này cam phận làm việc vất vả để tìm con. Họ vượt qua khó khăn đời thường để làm những việc nhân đạo và không cần ai biết, cốt chỉ cần cái tâm của mình thanh thản”, bà Nga chia sẻ.

Có người đàn ông xét nghiệm ADN kết quả không phải con mình, họ òa khóc như một đứa trẻ nhưng vì thông cảm với hoàn cảnh của người phụ nữ, họ vẫn giữ kín bí mật và yêu thương đứa trẻ hết lòng.

Người vợ rất phục và yêu chồng nhiều hơn. Kết quả xét nghiệm ADN không khiến hạnh phúc lung lay như nhiều người nghĩ. Đôi khi nó giúp cho người trong cuộc có dịp nhìn nhận lại chính tình cảm của mình. Quá khứ lùi vào dĩ vãng, họ thấy mình đang sống vì nhau, sống với tình thương xuất phát từ lòng nhân ái”.

Thời buổi dịch vụ lên ngôi, dịch vụ xét nghiệm ADN mọc lên nhan nhản. Chuyên gia nói gì về việc này? Mời bạn đọc Phụ nữ Sức khỏe đón đọc kỳ tiếp theo: “Dùng tiền tỉ mua chuộc kết quả xét nghiệm ADN, người phụ nữ nhận được câu trả lời “rợn người”