Chi tiền khủng sàng lọc ung thư

Lo sợ bệnh ung thư, chị Chu Thị Bình Minh (35 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh) tin rằng chỉ cần chụp MRI 256 dãy thì có thể sàng lọc được các tổn thương ung thư từ trong trứng nước đặc biệt là ung thư vú. Chính vì thế, năm nào chị Minh cũng đi chụp MRI 1 lần và phải là mRI 256 dãy.

Tuy nhiên, gần đây đi khám, chị Minh bất ngờ vì một bác sĩ khuyên chị không cần chụp MRI mà chỉ cần chụp Xquang cũng có thể phát hiện được ung thư vú, phổi và một số tổn thương khác.

Không riêng gì chị Minh, nhiều người thường nghĩ họ chỉ cần chụp cát lớp nhiều dãy có thể “chẻ nhỏ” cơ thể hàng trăm mảnh và họ biết được mình có nguy cơ mắc ung thư gì. Anh Đỗ Quang Thoán (45 tuổi) và vợ anh là Kiều Mai Hoa (43 tuổi, quê thành phố Ninh Bình) khoe vừa đi chụp MRI về và họ không mắc bệnh gì.

Chụp MRI phát hiện tế bào ung thư từ trứng nước - Ảnh minh họa: Internet

Trong năm nay, gia đình có 2 người trong họ phát hiện ung thư tuyến tuỵ và ung thư đại trực tràng. Gia đình chị Hà Thị Kim Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) như ngồi trên đống lửa. Chị Kim Anh kể anh họ chị năm nào cũng đi sàng lọc ung thư và đến khi đau bụng quá đi khám thì đã phát hiện u tuyến tuỵ to. Điều này, chị Kim Anh cho rằng do sàng lọc không kỹ nên khám bệnh vẫn không phát hiện sớm được ung thư.

Chị Kim Anh đành mua cho cả nhà gói tầm soát ung thư Platimun với giá 30 triệu đồng và những thành viên trong gia đình chị được hưởng dịch vụ tầm soát ung thư "từ đầu tới chân".

Chị Kim Anh kể gói tầm soát ung thư này giá 36 triệu đồng và chị mua nhiều nên được giảm giá. Gói sàng lọc bao gồm hạng mục chụp MRI/MRA não, Chụp MRI bụng trên, DWIBS giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa ung thư cũng như phát hiện nguy cơ (yếu tố nguy cơ) về bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não. Chị Kim Anh kể chụp MRI này sàng lọc tốt nhiều bệnh nên “đắt nhưng xắt ra miếng”.

Có nên chụp MRI?

TS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, Bệnh viện K Trung ương, chia sẻ trước ám ảnh của bệnh ung thư, hàng ngày các bác sĩ đều gặp người dân là người khoẻ mạnh đến xin tầm soát ung thư. Thậm chí có người nói rằng họ không sợ tốn tiền và chỉ cần tìm được ung thư từ trong trứng nước.

Điều này hoàn toàn không thể. TS Huyền cho biết ung thư do nhiều nguyên nhân và có 200 bệnh ung thư khác nhau. Đến nay, người ta chỉ khuyến khích sàng lọc các bệnh ung thư thường gặp và có nguy cơ mắc nhiều hơn.

Sàng lọc ung thư bằng MRI - Ảnh: Internet

Ví dụ, phụ nữ trên 40 tuổi nên sàng lọc ung thư vú. Nam giới sàng lọc ung thư gan, ung thư phổi và trên 50 tuổi sang lọc thêm một số bệnh ung thư và hiện nay không có phương pháp nào có thể sàng lọc được 100% bệnh ung thư như nhiều người vẫn nói.

Nói về phương pháp sàng lọc ung thư bằng MRI, GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết MRI được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ chấp thuận vào năm 1991. Sau gần 30 năm, chụp MRI còn được chỉ định trong việc phân giai đoạn ung thư, theo dõi sau phẫu thuật, hoá trị và quá trình tái phát ung thư. Hiện nay chụp MRI sàng lọc ung thư không được khuyến khích vì chi phí đắt. Có thể sàng lọc bằng siêu âm, chụp Xuang.

Các bác sĩ cho rằng nhiều bệnh ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh hơn 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm như: Ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng... Tuy nhiên, việc sàng lọc cũng cần phải được bác sĩ chuyên khoa tư vấn để sàng lọc có hiệu quả nhất.

Ngoài sàng lọc, cần tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, có thể phòng được ít nhất 2/3 bệnh ung thư.

Bác sĩ Huyền khuyên người dân hãy rèn luyện cho mình có một lối sống lành mạnh: Không hút thuốc, hạn chế rượu bia, dinh dưỡng an toàn, hợp lý (đạm vừa phải, tăng cường hoa quả, rau xanh). Đồng thời tập thể thao tối thiểu ngày 30 phút, 5 ngày trong 1 tuần 7 ngày ( 3-5-7), và tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ (2 lần một năm).