Theo lẽ thường, cứ thấy một đứa trẻ có bố mẹ li dị, người lớn sẽ động lòng thương cảm, tội nghiệp cho đứa trẻ ấy. Nhưng với với vợ tôi thì không. Nàng luôn cảm thấy mình thật may mắn khi bố mẹ mình đã ly hôn.

Lần đầu lắng nghe tâm tư này của người mà mình quyết chọn làm bạn đời, tôi thật sự cảm thấy hoang mang. Tôi lo lắng khi nàng xem nhẹ việc tan vỡ trong hôn nhân, cho rằng nó là điều quá đỗi bình thường và trong một vài trường hợp, ly hôn là điều vô cùng đúng đắn.

Khi đã thấu hiểu nhau hơn, tôi cảm thông với nàng. Vợ tôi không chỉ không hề xem nhẹ hôn nhân mà còn là người luôn vun vén xây dựng gia đình nhỏ của riêng nàng.

Bố mẹ nàng đến với nhau trong một cuộc hôn nhân chóng vánh khi mà cả người đều còn rất trẻ tuổi. Có hàng nghìn hàng vạn mâu thuẫn nhỏ nhặt, rồi cả quan điểm sống không thể dung hòa, đến cuối cùng thì đường ai nấy đi là chuyện không thể tránh khỏi.

Điều đáng nói là khi họ chính thức đệ đơn ra tòa, vợ tôi mới chỉ vừa tròn một tháng tuổi. Kể từ đó, nàng chẳng khác nào quả bóng cứ bị đá qua đá lại giữa hai gia đình cựu thông gia vốn chẳng ưa gì nhau. Cứ thế, vợ tôi lớn lên vừa thiếu tình thương lại chẳng có ai đùm bọc.

Thế nhưng vợ tôi hoàn toàn là một người phụ nữ hạnh phúc, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại khi mà chúng tôi cùng cố gắng xây dựng gia đình nhỏ của riêng mình, thứ mà nàng chưa bao giờ cảm nhận được trong suốt tuổi thơ ấu.

Tôi đã từng hỏi vợ mình vì sao lại thấy may mắn khi bố mẹ ly hôn, nàng đã kể về giai đoạn bố mẹ mình quay lại với nhau. Khi ấy nàng tám tuổi. Đấy là những ngày tháng mệt mỏi nhất trong cuộc đời nàng.

Vợ tôi đã từng mơ ước có một bữa cơm đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Thế nhưng khi ước muốn đó thành hiện thực, nàng lại chỉ mong họ hãy đường ai nấy đi, đừng quay lại với nhau để làm khổ nhau và làm khổ cả những người xung quanh họ nữa.

Đó là những ngày tháng nàng liên tục phải sống trong sự im lặng đến tù túng và ngột ngạt. Bố và mẹ của nàng không ai nói với ai nửa lời và cũng không nói với nàng được câu nào. Họ sống trong một căn nhà nhưng luôn coi đối phương không hề tồn tại. Tuy rằng họ không cãi cọ, không đập phá nhưng lại dùng sự im lặng để dằn vặt nhau.

Thời điểm đó, mẹ nàng có mở một tiệm cắt tóc gội đầu. Đôi ba lần theo chân mẹ ra cửa tiệm, với suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, nàng đã tò mò theo chân một người đàn ông lạ. Để rồi trong cái ánh sáng vàng vọt và lờ nhờ ám ảnh vào tâm trí nàng đến tận bây giờ, nàng đã tận mắt chứng kiến mẹ mình âu yếm người đàn ông lạ mặt đó.

Đừng nghĩ một đứa trẻ mới tám tuổi làm sao có thể hiểu được chuyện của người lớn, cảm xúc của trẻ con luôn vô cùng nhạy bén. Nó đủ nhạy bén để cảm nhận được rằng gia đình mình, bố mẹ của mình không hề gắn kết với nhau.

Lớn hơn một chút, vợ tôi tự biết thân biết phận nên luôn tự giác trong mọi việc liên quan đến bản thân mình. Nàng tự thức dậy sớm đi học, tự đi bộ từ trường về nhà. Và trớ trêu làm sao khi mà trong một lần tự cắp sách đi học về, nàng lại một lần nữa phải nhìn thấy bố mình đèo sau lưng người phụ nữ xa lạ. Họ ôm ấp nhau, nắm tay nhau, cười đùa với nhau...

Vợ tôi đã nói rằng đó là lần đầu nàng nhìn thấy bố mình cười.

Sau cùng, bố mẹ nàng cũng vẫn không thể cùng nhau diễn vở kịch gia đình đầy đủ nữa. Họ buông tha cho đời nhau, cũng là buông tha cho nàng.

Vào cái buổi chiều vừa lạnh buốt vừa mưa gió ướt át đó, nàng cảm thấy thật hạnh phúc khi bố mẹ thông báo sẽ ly hôn.

Vợ tôi sau đó được ông bà ngoại nuôi nấng. Thật may, khi đã đường ai nấy đi, bố mẹ nàng lại tìm thấy tiếng nói chung trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho nàng lớn lên.

Thoát khỏi những ngày tháng tù túng, vợ tôi không còn sống khép mình nữa. Nàng tự do và vô cùng quảng giao. Chúng tôi đến với nhau bởi sự vô tư lự trong cách sống của nàng. Sự vô tư lự mà tôi không thể tin nó vẫn có thể tồn tại ở một cô gái có tuổi thơ chẳng mấy êm đềm như vậy.

Vì khao khát một gia đình mà nàng luôn cố gắng vun đắp tất cả cho hai bố con tôi. Đến giờ phút này, nói ra thì kì lạ, nhưng chính tôi cũng cảm thấy thật may mắn vì bố mẹ đã quyết định buông tha cho nhau.