Có câu nói rằng “cửa sinh là cửa tử”, ngụ ý là trong quá trình sinh con, người mẹ như đứng trước cửa tử, chỉ cần sơ sểnh một cái thôi là không còn mạng để quay về. Chính vì thế, các bác sĩ luôn phải theo dõi sát sao tình hình của sản phụ và trong các tình huống cấp bách, họ cần phối hợp với người nhà để đưa ra các giải pháp cứu bệnh nhân. Song, thực tế thì không phải người nhà bệnh nhân nào cũng nghe theo lời khuyên của bác sĩ.
25 tuổi, Nhược Vũ lên xe hoa cùng chồng là anh bạn thời đại học - người chàng trai có ý chí, trách nhiệm, và nhất là luôn yêu thương chiều chuộng cô. Sau đám cưới, cô càng thêm yêu thương và nể phục mẹ chồng. Chính bà đã một tay nuôi dưỡng con trai sau khi chồng qua đời vì tai nạn. Cho đến bây giờ, ngoài công việc là nhân viên dọn dẹp của công ty, tối tối bà còn đi thu mua ve chai để kiếm thêm tiền. Nhờ chăm chỉ cần kiệm mà mẹ chồng Nhược Vũ không chỉ lo cho con trai ăn học thành tài mà còn có thể mua một căn nhà rộng rãi để hai vợ chồng cô ở cho thoải mái.
Tuy nhiên, có một điểm Nhược Vũ không thích ở mẹ chồng, đó chính là bà quá tiết kiệm. Tiết kiệm đến mức trở nên keo kiệt. Bình thường, không sống chung thì không sao, nhưng từ khi Nhược Vũ có bầu, mẹ chồng đã dọn quần áo qua nhà cô ở để tiện chăm sóc cho con dâu. Song, điều khiến cô khó chịu nhất chính là ngày nào bà cũng chỉ nấu cơm canh đạm bạc, nhất là món cá kho không ngày nào thiếu, dù tiền chợ cô đưa cho bà rất xông xênh.
Khi Nhược Vũ nhờ chồng nói với mẹ mua thêm nhiều món ngon để tẩm bổ thì bà lại mắng: “Vợ con đang ốm nghén, có ăn được gì nhiều đâu mà nấu lắm. Với lại, phải tiết kiệm tiền để đến lúc đi đẻ còn có cái mà tiêu”.
Vì ăn uống đạm bạc nên khi thai nhi được 5 tháng, bác sĩ nói rằng em bé bị suy dinh dưỡng, Nhược Vũ cần ăn uống bồi bổ nhiều vào, vì trẻ sinh nhẹ cân sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe về sau này. Vì thế, cứ chiều tan làm, chồng Nhược Vũ lại mua thêm thức ăn, sữa bầu, thuốc bổ… về cho vợ ăn uống. Mặc dù đã nhiều lần giải thích nhưng mỗi lần thấy vậy, mẹ chồng cô lại mặt nặng mày nhẹ mắng con trai, cạnh khóe con dâu đua đòi.
Vì Nhược Vũ vỡ ối sớm 1 tuần so với ngày dự sinh nên chồng cô đành chở vợ và mẹ đến bệnh viện trước, rồi quay về chỗ làm xin phép nghỉ, bàn giao công việc rồi mới đến bệnh viện sau. Trong quá trình đỡ đẻ, bác sĩ phát hiện sức khỏe sản phụ không được tốt, xương hông lại nhỏ, trong khi đó, nước ối đã sắp cạn nên đã ra ngoài báo người nhà ký giấy đẩy Nhược Vũ qua phòng mổ.
Tuy nhiên, khi biết giá của một ca sinh mổ là 5.000 tệ (khoảng 17,9 triệu đồng), mẹ chồng của cô đã nhất quyết không ký. Bà không cho rằng bác sĩ chỉ giỏi vẽ chuyện lấy tiền, bao nhiêu người sinh thường được thì tại sao con dâu bà lại phải sinh mổ. Chưa hết, 5.000 tệ đó có thể mua được rất nhiều thứ cho cháu trai, không nên chỉ phung phí vào mỗi chuyện sinh đẻ.
Mặc kệ bác sĩ giải thích, mẹ chồng của Nhược Vũ vẫn nhất quyết không chịu ký giấy. Nằm trong phòng sinh, nghe hết những gì mẹ chồng nói, Nhược Vũ chỉ biết cắn chặt răng dồn hết sức rặn. May mắn là cuối cùng em bé cũng chào đời. Nhìn cháu trai tím tái vì ngạt thở đang được y tá bế qua phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh, bà chỉ biết vừa khóc vừa tự tát mình. Bà không ngờ ra chỉ vì tiếc tiền mà một chút nữa thôi, bà đã đánh mất đứa cháu trai này.
Theo bác sĩ, nước ối vỡ hoặc rò rỉ đều có thể xảy ra ở bất kì thời điểm nào trong thai kỳ và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi cũng như tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn xâm nhập. Ở những sản phụ đã đủ 37 tuần thai trở lên thì việc sinh nở sẽ diễn ra trong vòng 24 giờ tới. Tuy nhiên, nếu nước ối vỡ mà mẹ vẫn không thể sinh thường, các bác sĩ thường can thiệp bằng cách sinh mổ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thai nhi. Vì khi đó, để càng lâu thì nguy cơ nhiễm trùng, nguy cơ ngạt thở của em bé càng cao.