9 giờ sáng nay, 10-9, mực nước sông Hồng tại điểm đo An Cảnh lên 7,23m cao hơn một chút so với mực nước 7,0m của báo động I. Với dự báo, nước còn tiếp tục lên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Hà Nội đã phát lệnh báo động I.
Báo động I là tình huống sông bắt đầu có lũ, nhưng còn ở giới hạn trong lòng sông - tương đương cấp lũ nhỏ. Dù vậy, khu vực nội đô, các hộ dân sinh sống ở bãi giữa sông Hồng, thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, nước đã tràn vào nhà. Với dự báo nước còn lên, nhiều gia đình khác đã hò nhau đóng gói tài sản, chuyển lên nơi cao hơn. Trong ảnh, bà con dùng thuyền sắt chuyển đồ đạc đã đóng gói từ bãi giữa vào bờ.
Điểm đến của chiếc thuyền sắt là bến Chương Dương Độ, vốn xa xưa là bến phà. Từ đây, hàng hóa, tài sản sẽ được di dời vào những khu vực cao, khô ráo hơn, thậm chí có thể đưa vào trong đê nếu nước sông Hồng còn lên nữa.
Từ khi có hồ thủy điện Hòa Bình (1987), Sơn La (2010), rồi Lai Châu (bắt đầu tích nước hồ chứa đúng mùa lũ năm 2015), có thể nói lũ trên hệ thống sông Đà, nguồn nước chính từ Tây Bắc đổ về sông Hồng ở Hà Nội, đã được các bậc thang thủy điện lớn chế ngự. Dù vậy, năm nay do ảnh hưởng của bão số 3 lịch sử, các sông thượng nguồn vùng Đông Bắc đã có lũ mạnh, với nhiều nhánh đổ về sông Hồng để ra biển. Đây là lý do chính khiến nước sông Hồng ở Hà Nội lên nhanh 2 ngày qua. Trong ảnh, một người đàn ông đang cố gắng ngụp lặn để cứu chiếc xích lô trên bờ.
Khu vực này vốn là bãi đỗ xe, nhưng chỉ sau một đêm, nước sông Hồng đã dâng lên nhấn chìm mọi thứ. Anh chủ xích lô phải lặn ngụp mãi, hơn một giờ mới kéo được phương tiện "kiếm cơm" lên chỗ cao hơn.
Nước lên nhanh trong đêm, nhu cầu vận chuyển, di dời tài sản lớn, chính quyền sở tại đã huy động lực lượng quân đội, dân quân... hỗ trợ người dân.
Dưới dòng nước, lực lượng quân đội liên tục làm nhiệm vụ tuần tra, sẵn sàng hỗ trợ người dân bất cứ lúc nào.
Ở Hà Nội, người dân không gọi chuyện nước lên là lũ, mà là lụt. Trước đây, khi chưa có các hồ thủy điện thì gần như năm nào vùng ngoài đê sông Hồng, dù là nội thành hay ngoại thành, đều có lụt. Từ khi có thủy điện Hòa Bình thì lụt giảm hẳn, mà gần nhất là trận lụt năm 1996. Năm ấy, Hà Nội báo động III, nước lên đến khu vực cửa khẩu, cơ quan chức năng phải đóng cửa khẩu để ngăn nước vào trong, tránh ngập cho khu vực nội thành.
Tại thời điểm này, nước sông Hồng lên chủ yếu vẫn do lũ từ các dòng sông nhỏ trên thượng nguồn nằm ngoài các hồ thủy điện đổ về. Còn các hồ thủy điện lớn đa mục tiêu, vừa phát điện, vừa chống lũ thì đang vận hành chức năng chống lũ, giữ nước lại. Chẳng hạn, Tuyên Quang là hồ thủy điện lớn nhất vùng Đông Bắc bộ, vào lúc 14 giờ 10 chiều nay chỉ xả 685m3/s so với nước lũ về lên tới 4.163m3/s. Còn Hòa Bình, nấc thang thủy điện cuối cùng của sông Đà – nguồn lũ chính từ Tây Bắc bộ, chỉ xả 2.215m3/s so với 5.003m3/s thượng nguồn đổ về. Dù vậy, vẫn có lo ngại là nước sông Hồng tại Hà Nội còn tiếp tục tăng trong những giờ tới.