Chưa đến đỉnh dịch, ca mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng ở Hà Nội đã tăng
Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai PGS. TS Đỗ Duy Cường lưu ý tháng 11 là đỉnh dịch sốt xuất huyết của Hà Nội, dịch sẽ bùng phát rất mạnh.
Chỉ trong 1 tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1.034 ca mắc sốt xuất huyết với 48 ổ dịch mới tại 19 quận, huyện.
Đáng ngại là, đã có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng biến chứng rất nặng: tiểu cầu tụt dưới 5, sốc, cô đặc máu, suy đa tạng, suy gan, suy thận phải lọc máu.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, chỉ từ đầu tháng 10 đến nay đơn vị này đã tiếp nhận 250 ca sốt xuất huyết, tăng rất nhiều so với các tháng trước đó. Đến nay chưa có dấu hiệu giảm.
Hiện các bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm ghép đôi ghép 3. Trung bình mỗi ngày có 10- 20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo, nhiều bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, thậm chí có bệnh nhân phải lọc máu.
Bệnh nhân L.Q. M (Đống Đa, Hà Nội) trước khi nhập viện cấp cứu 3 ngày đã có kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. M. được bố mẹ cho ở nhà theo dõi, chỉ đến khi có biểu hiện nặng - chảy máu mũi liên tục, bố mẹ em mới hốt hoảng đưa con nhập viện.
PGS. TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai cho biết các bệnh nhân này đến đều trong tình trạng tiểu cầu hạ, nặng và có cả những bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm, sốc, cô đặc máu, suy đa tạng, suy gan, suy thận. Nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5.
“Với những người mắc sốt xuất huyết lại có bệnh lý nền sẵn, hoặc phụ nữ có thai, người già người mắc bệnh gan, thận, tim thì việc điều trị rất khó khăn”, PGS. TS Đỗ Duy Cường cho biết.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thời gian vừa qua tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng vào nhập viện. Điển hình là nam bệnh nhân N.Đ.T (57 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội), trước khi vào nhập viện một tuần, bệnh nhân thấy người gai rét, mệt nhiều, sốt 39 độ. Thấy uống thuốc hạ sốt thì dứt cơn, ông không đi khám.
Đến ngày thứ 3 sau sốt, ông T đánh răng thấy máu tươi chảy nhiều thì gia đình mới đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt, tiểu cầu về mức 0 G/L. Ông được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
BS Hà Huy Tình, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, ông T có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, gout đã biến chứng u sùi bàn chân. Khi vào viện, bệnh nhân mệt mỏi nhiều, chảy máu chân răng, chảy máu tại các khối u sùi chân; chỉ số tiểu cầu là 2 G/L. Trong khi mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50; mức nghiêm trọng là 10-20.
Tại Bệnh viện Đức Giang, BS Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp cho biết, hiện tại bệnh viện đang quá tải với 150 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú.
Khoa điều trị sốt xuất huyết của Bệnh viện Đức Giang đã quá tải nên nhiều khoa khác phải dành giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Các bác sĩ phải làm việc gấp đôi công suất vì bệnh nhân đông, trong đó nhiều ca diễn biến nặng, có dấu hiệu cảnh báo và sốc sốt xuất huyết. Do quá tải nên hầu hết bệnh nhân sau khi khám đều cho điều trị ngoại trú, chỉ 10% ca có dấu hiệu chuyển nặng thì nhập viện.
Các bác sĩ cũng lưu ý, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng phải nhập viện. Trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng phải theo dõi sát các dấu hiệu toàn thân theo hướng dẫn của bác sĩ, chú ý uống đủ nước, bù dịch bằng orezol.
Chỉ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định, tuyệt đối không dùng kháng sinh hoặc tự ý truyền nước, truyền đạm hoặc dung dịch cao phân tử tại nhà. Khi có một trong các dấu hiệu cảnh báo phải đến viện ngay.
PGS. TS Duy Cường hướng dẫn nhận biết dấu hiệu cảnh báo ở bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ có hiện tượng thoát dịch, có biểu hiện cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng huyết áp tụt cũng như bệnh nhân rất mệt, đau bụng vùng gan cũng như tay chân lạnh, xuất huyết dưới da hoặc chảy máu cam, chân răng, đau bụng đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh rong huyết.
Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai cũng lưu ý tháng 11 là đỉnh dịch sốt xuất huyết của Hà Nội, dịch sẽ bùng phát rất mạnh, nên phải đẩy mạnh truyền thông để người dân phòng, chống dịch.
Đặc biệt khi hiện nay có nhiều bệnh cùng lưu hành nên nhiều người khi sốt sẽ chủ quan không nghĩ mắc sốt xuất huyết, chỉ khi có những dấu hiệu nặng mới nhập viện.
Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, khi có dấu hiệu sốt người dân nên đến bệnh viện khám để xác định đúng căn nguyên có phương án điều trị kịp thời.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 6.779 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2011, 5 trường hợp tử vong. Còn cả nước, theo số liệu mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính trong tuần qua ghi nhận 9.750 ca mắc, có 1 trường hợp tử vong ở Bình Dương. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 102 trường hợp tử vong (tăng 81 trường hợp so với năm 2021).
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.