Tôi 26 tuổi, kết hôn được 3 năm sau khi tốt nghiệp đại học. Sau đó tôi sinh con, ở nhà chăm con và lo công việc nội trợ. Khi bé được 2 tuổi, tôi gửi trẻ và tìm việc làm. Từ lúc đi làm bắt đầu phát sinh ra nhiều chuyện lục đục. Chồng tôi là tài xế đường dài, thường xuyên vắng nhà. Tôi nghĩ đã đi làm thì nhiều lúc cũng nên trang điểm, ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ miễn sao thấy tự tin giao tiếp với mọi người. Thỉnh thoảng văn phòng tổ chức tiệc tùng nhưng ít khi tôi tham gia. Nhưng từ chối nhiều thì mọi người lại nói mình không hòa đồng nên có những buổi tiệc tôi sẽ đi.

Ảnh minh họa

Bình thường là 5 giờ tan làm, đi đến khoảng 6 giờ thì tôi xin phép về, lấy lý do con nhỏ không ai trông. Nhưng chồng tôi lại không tin tưởng. Nhiều lần anh bóng gió là tôi có bồ bên ngoài, bỏ bê nhà cửa, con cái. Không phải chỉ mình anh, ba tôi còn nói với mẹ là dung túng cho con gái có bồ, nói nhiều câu mà tôi nghe mẹ kể lại cảm thấy bị xúc phạm. Mẹ tôi từ lúc lấy ba cũng chỉ ở nhà nội trợ, chưa từng đi làm. Lúc nhỏ mỗi lần ba mẹ cãi nhau, tôi toàn nghe ba đuổi mẹ ra khỏi nhà. Khi lập gia đình, tôi không muốn phải trải qua hoàn cảnh giống mẹ. Tôi muốn kiếm tiền để tự mua những món mình thích, mua cho con bộ quần áo mà không phải xin chồng. Tôi chỉ đi tham dự tiệc công ty thôi, cũng chưa từng tiếp xúc thân mật với ai, đi làm xong về thẳng nhà, không la cà quán xá. Tôi không hiểu nổi sao chồng và ba tôi lại có những suy nghĩ coi thường con và vợ mình đến vậy.

Nhiều lúc bạn bè từ Sài Gòn về rủ ra quán uống ly cà phê, chồng tôi mà biết lại nói sao không về chơi với con, tỏ vẻ khó chịu khi tôi giao thiệp với người khác. Tôi có cảm giác hình như không cùng môi trường làm việc nên không thể thông cảm cho nhau. Tình cảm càng lúc càng xa cách. Ba tôi mỗi lần thấy tôi đi làm ăn mặc đẹp một tí là nhăn nhó, tỏ vẻ không hài lòng. Không lẽ giờ tôi nghỉ việc ở nhà trông con tiếp. Xin chuyên gia và bạn đọc cho tôi lời khuyên. 

Thư

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm gợi ý:

Chào bạn Thư,

Gia đình bạn có vẻ là một gia đình vẫn còn theo kiểu phong kiến, gia trưởng, không coi trọng phụ nữ. Họ xem phụ nữ như cái bóng trong nhà, phải chăm chồng, chăm con, không được bước ra giao lưu với bên ngoài. Đó là những quan niệm cổ hủ, lạc hậu, không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Có thể đây là cách nghĩ của họ, cũng có thể là sự sợ hãi sâu bên trong những người đàn ông trong gia đình bạn, họ sợ rủi ro khi để người phụ nữ ra ngoài tiếp xúc xã hội. Hoặc là họ ích kỷ, muốn kiểm soát, khống chế người phụ nữ. Sự ích kỷ này ăn sâu trong tiềm thức mà có lẽ chính bản thân họ cũng không nhận ra.

Trong hoàn cảnh này, bạn phải làm một cuộc cách mạng trong gia đình, thay đổi nhận thức lạc hậu của ba và chồng. Bạn có thể thay đổi dần từng chuyện, bắt đầu bằng cách nói lên suy nghĩ, cảm xúc của mình khi bị họ đối xử như vậy. Việc đó khiến bạn sợ hãi, lo lắng, bất an thế nào; bạn tổn thương vì bị thiếu tôn trọng ra sao. Thậm chí sẽ có lúc xảy ra tranh cãi gay gắt, đối đầu bạn cũng vẫn làm. Tức là bạn phải nói lên ý kiến của mình và kiên trì thực hiện đến cùng. Bạn có thể mời chồng đi tham gia một vài bữa tiệc hoặc đi du lịch cùng công ty, để anh ấy chứng kiến và cảm nhận rõ những hoạt động cũng như mối quan hệ bên ngoài xã hội của bạn. 

Ngoài ra, bạn nên phân tích cho ba và chồng hiểu: cuộc sống gia đình ngày nay rất cần có tiền bạc, đời sống nhiều biến động, luôn bấp bênh bất ổn, nếu bạn không ra xã hội, không có việc làm thì sẽ không có thu nhập, như vậy gánh nặng tiền bạc sẽ đè lên vai chồng. Mong họ hãy hiểu và ủng hộ để bạn có cơ hội chia sẻ gánh nặng cơm áo với chồng. Nếu họ không thay đổi, bạn vẫn nên tiếp tục sống cuộc sống của mình, làm những việc mình cần làm. Khi bạn có công việc và thu nhập riêng mà còn chưa được tôn trọng, thử hỏi cả đời bạn sống lệ thuộc vào chu cấp của chồng thì vị thế của bạn trong gia đình sẽ thế nào? Trời không chịu đất, đất phải chịu trời. Nếu bạn cứ sợ hãi, lo lắng, để ý đến cảm xúc của họ thì họ vẫn cho rằng mình đúng, đó là hiển nhiên. Họ sẽ không biết đến suy nghĩ, cảm xúc của bạn, mà chỉ nghĩ đến quyền lực kiểm soát của mình.

Bạn cũng nên nói chuyện riêng với ba mình một lần về những suy nghĩ và cách hành xử của ông đối với bạn. Việc làm của ông khiến bạn đau khổ thế nào, và vô tình ba đã làm cho chồng bạn có thêm đồng minh để trở nên khắc nghiệt, bất công với bạn hơn.  

Chúng ta thường ca thán rằng những người thân “độc hại” làm khổ chúng ta, nhưng thực ra khổ hay không là do bạn để họ được quyền làm mình tổn thương. Nếu họ ép bạn làm theo ý họ, nhưng bạn không nghe theo, không để bị tác động, cứ làm theo những gì mình cho là đúng, tiếp tục giữ vững quan điểm, đến lúc họ nói chán rồi sẽ tự biết nhìn nhận mà thay đổi. Chỉ cần bạn tin rằng cách sống và hành xử của mình là hợp lý, không làm điều gì hổ thẹn, trái với lương tâm thì không có gì phải ngại. Vậy nên trước khi bắt đầu làm theo những gợi ý trên, bạn cần ngồi lại xem xét toàn bộ quá trình sống, cách cư xử của mình với những người đàn ông khác bên ngoài, xem có điều gì thái quá cần điều chỉnh lại không, từ ngôn ngữ cơ thể đến cách thức ăn mặc, nói năng và đi lại…

Chúc bạn mạnh mẽ.