Tôi lấy chồng gần 2 năm, quen nhau 5 tháng thì kết hôn. Sau cưới, tôi có em bé ngay. Thời gian tôi bầu bì, chồng thường hay đi ngoại giao nhậu nhẹt (tuần 2-3 lần). Điều tôi buồn là anh không báo đi nhậu với bạn bè, khách hàng nên về trễ, mấy giờ sẽ về, mà chỉ nhắn là về muộn, đừng chờ cơm và đi đến tối khuya mới về dù tôi ở nhà mong ngóng. Anh không có thói quen báo cho tôi lý do và thời gian về.

Có một lần khi con được 8 tháng, anh đi họp lớp với bạn đại học từ trưa đến chiều tối chưa về. Tôi nhắn tin nói anh về sớm, tranh thủ dọn dẹp ngôi nhà dưới Bình Dương để mai còn đãi tiệc tân gia (trước khi đi anh nói sẽ về sớm dọn dẹp). Đợi mãi không thấy anh trả lời nên tôi gọi, anh nói đang về. Nhưng đến 6h30 tối anh mới về, mùi rượu nồng nặc. Tôi cáu giận vì anh nhậu lâu mà quên nhiệm vụ dọn dẹp để mai đãi tiệc. Anh lớn tiếng quát mắng, xô tôi ngã rồi đi nhậu tiếp đến 10 giờ đêm. Lần đầu tiên anh làm như thế với tôi.

Ảnh minh họa

Hôm qua lại là một trận cãi nhau kinh hoàng từ trước đến giờ. Anh dùng những từ như lắm mồm, cút xéo, mất dạy, đồ chó, khốn nạn, khùng điên... để nói và bạt tai tôi 4 cái dù anh không hề say. Lý do hết sức nhỏ nhặt, tôi bảo anh đừng chuyện gì cũng nói với bạn bè. Chính anh dặn tôi những điều đó vì không tốt cho công việc của anh, vậy mà những người bạn cứ hay khai thác được nhiều thông tin từ anh (ví dụ mua được nhà cửa, đất đai hay dự định đi đâu, làm gì...). Chồng nói một tôi nói hai và còn làm dữ hơn.

Tôi muốn ôm con dọn đi ngay hôm nay nhưng tối qua con ho nhiều nên mệt. Giờ đem con theo, tôi sẽ không lo được chu đáo cho con như ở nhà, bé mới được 18 tháng. Nhưng cứ ở lại chỗ này tôi thấy đau lòng và tổn thương vô cùng, cảm giác bị xem thường. Sau những chuyện xảy ra anh chỉ im lặng, không giải thích, xin lỗi hay hối hận và xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi thì in sâu cảm giác bị xúc phạm và những lời cay nghiệt đó. Tôi nên làm gì cho phải đây? Tôi có phải là người tệ hại quá không? Nói thêm là sau khi sinh con tôi chỉ ở nhà bán hàng online. Tôi có nên vì con mà tiếp tục sống cùng một người chồng như vậy không? Mong được chuyên gia tư vấn và các bạn đọc giúp tôi.

Linh

Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa gợi ý:

Chào bạn Linh,

Trường hợp của bạn, chồng thường xuyên đi nhậu, khi bạn có ý kiến lại bỏ đi nhậu tiếp. Các bà vợ có chồng nhậu thường chia sẻ với nhau rất nhiều chiêu để trị. Cho dù áp dụng chiêu nào thì bạn cần lưu ý không cằn nhằn, tranh cãi lúc chồng đang say, bởi khi ấy ít nhiều rượu bia đã chi phối lý trí chồng, nên dễ gây ra xung đột, bạo hành. Đợi lúc chồng tỉnh hãy chia sẻ, bày tỏ cảm xúc với anh ấy.

Những ông chồng thường xuyên chăm sóc con sẽ dành thời gian cho con nhiều hơn. Bạn hãy tập cho chồng chơi với con, chăm sóc con khoảng 30 phút mỗi ngày. Đây là cách hữu hiệu để người chồng giảm nhậu. Việc này đòi hỏi người vợ phải kiên trì vì không phải người chồng nào cũng đủ kiên nhẫn chăm sóc và chơi với con. Bên cạnh đó, tâm lý sợ chồng chăm con không bằng mình, quá xót con mà vợ dành hết việc nuôi dạy con, chê bai làm chồng tự ái, bỏ mặc vợ trong việc chăm con.

Bạn cũng nên cân nhắc việc bỏ đi (về nhà mẹ đẻ hay ở riêng), vì khi đi thì dễ, khi về sẽ khó hơn. Lần đầu bỏ đi có thể làm chồng sợ, nhưng cũng có thể khiến anh ấy không tôn trọng bạn và “lờn thuốc”.

Nếu chồng không bỏ nhậu mặc dù áp dụng nhiều cách, thay vì buồn bực, bạn hãy hướng mình vào công việc, học hành, chăm sóc bản thân và con cái, vui chơi với bạn bè… Điều này không chỉ tốt cho bạn và con mà còn có thể làm cho anh ấy thay đổi.

Trong cuộc sống các mâu thuẫn dễ dẫn đến xung đột nếu không biết quản lý cảm xúc. Chồng đánh bạn trong trường hợp này là do cả hai vợ chồng không kiểm soát được cảm xúc, mà bạn là người đã đẩy cảm xúc cả hai lên đến đỉnh điểm khi chồng nói một, bạn nói nhiều hơn và làm dữ hơn chồng. Tất nhiên không ai đồng tình việc đánh vợ của chồng bạn. Lần đầu anh ta đánh bạn, có thể sẽ có những lần tiếp theo nếu bạn không biết phản ứng phù hợp.

Bạn cần trao đổi thẳng thắn với chồng về những việc vừa qua. Nói trước có nghĩa bạn là người hiểu chuyện, đủ bình tĩnh để nói. Bạn nhận cái sai của mình trước, sau đó nói những điều không hài lòng về chồng, đồng thời cũng thỏa thuận và đưa ra những quy ước về cách cư xử giữa hai vợ chồng: dù bất cứ lý do gì cũng không xúc phạm nhau, không được đánh vợ, cách chăm sóc con, trách nhiệm… Đối với việc anh ấy đánh bạn, bạn bày tỏ quan điểm không chấp nhận, nếu xảy ra lần nữa thì sẽ có phản ứng thích ứng.

Trong hôn nhân không tránh khỏi mâu thuẫn xung đột, mỗi người trong cuộc cần phải biết lắng nghe, không có ai thắng ai thua mà chỉ có mỗi bên bỏ bớt cái tôi, cân nhắc thiệt hơn để tìm ra biện pháp tốt nhất.