Đến khám tại BV Da liễu Trung ương, chị Lê Thị L. (39 tuổi, trú tại Kim Động, Hưng Yên) cho biết, chị mắc sùi mào gà từ 8 năm trước, lây từ chồng. Chồng chị làm lái xe nên khó tránh “cơm chợ, vợ đường”. 

Từ đó, chị thường xuyên phải đi chữa sùi mào gà. Ban đầu, chị mua thuốc tự chấm để u sùi rụng dần nhưng được vài tháng lại thấy tái phát.
 
Mỗi lần tái phát chị lại đến bệnh viện đốt. Đốt nhiều tới mức chị L. ám ảnh và sợ căn bệnh này. Nhiều thông tin cho rằng bệnh còn có thể gây ung thư khiến chị càng lo lắng hơn. 
 
Không riêng gì chị L., chị Trần Thị Q. (19 tuổi, trú tại Hà Nội) mắc sùi mào gà từ bạn trai. Q. cho biết trước đó cô sống ở TP.HCM đã đến BV Từ Dũ điều trị nhưng không khỏi và tái phát. Khi ra Hà Nội, cô lại tiếp tục vào viện điều trị. Q, luôn sợ hãi vì nghe nói bệnh không điều trị dứt điểm được.
 
PGS.TS. Phạm Thị Lan  - Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết hằng ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân có triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến khám nhưng không phải tất cả các bệnh lây qua đường tình dục đều khó chữa.

Các bệnh lây qua đường tình dục có nhiều dạng khác nhau, trong đó có 4 bệnh phổ biến có thể chữa khỏi hoàn toàn như giang mai, lậu, trùng roi, chlamydia. Còn bệnh sùi mào gà cần chữa lâu hơn và cần thời gian để virus đào thải. Đến nay bệnh nhân vẫn điều trị để kiểm soát.

BS Lan cho biết việc điều trị sùi mào gà có thể giúp đào thải virus sau 1 năm (chiếm 70 %), sau 2 năm 90% bệnh nhân điều trị thì có thể đào thải virus. Chỉ còn 10 – 15 % phụ nữ nhiễm HPV lâu dài và họ có nguy cơ biến chứng về sau.

Người mắc bệnh tình dục cần có những kiến thức về bệnh để hiểu đúng về bệnh, tránh lo lắng hay suy nghĩ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị.

Người bệnh tới khám tại BV Da liễu Trung ương. 

Theo bác sĩ Lan, sùi mào gà là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, phổ biến với biểu hiện đặc trưng là những u nhú lành tính ở khu vực sinh dục và hậu môn. 

Virus gây bệnh là Human Papillomavirus (HPV), chủ yếu là hai tuýp 6 và 11. Một số tuýp có thể gây ung thư và loạn sản tế bào là 35, 33, 31, 18, 16.
 
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2016, khoảng 300 triệu phụ nữ bị nhiễm HPV. Một số trường hợp xuất hiện u nhú sau vài tuần nhiễm bệnh, nhưng đôi khi kéo dài đến nhiều năm.

Thời gian ủ bệnh trung bình ở nữ giới là 2,9 tháng và nam giới là 11 tháng. Trong thời gian này, người bệnh vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Bệnh thường thoái triển theo thời gian. Bệnh hay tái phát sau khi điều trị, do đó nếu thấy xuất hiện những tổn thương mới sau khi điều trị thì đó là hiện tượng bình thường.

Đến nay không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với sùi mào gà. Tất cả các phương pháp điều trị đều có mục đích là loại bỏ tổn thương và hạn chế lây lan.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng để đạt hiệu quả điều trị tốt hơn. Không quan hệ tình dục khi điều trị và cho đến khi khỏi bệnh.

Khi quan hệ tình dục với người mắc sùi mào gà, dù có sử dụng bao cao su thì vẫn có nguy cơ lây nhiễm.

Sau khi điều trị, cần tái khám 2 tuần/lần cho đến khi không còn tổn thương mới xuất hiện. Sau đó, khám lại 1 tháng 1 lần trong 3 tháng. Nếu trong 3 tháng đều không có tổn thương mới thì bệnh coi như khỏi. Virus HPV chỉ khu trú tại da, niêm mạc, không vào máu và không có trong máu.

Ngoài điều trị sùi mào gà, người bệnh cần được tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, nhất là HIV, giang mai, viêm gan B.

Cần điều trị cho cả bạn tình để phát hiện sùi mào gà và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.