Cách đây khoảng 2 năm, người dân sinh sống tại KĐT Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội vô cùng hoảng hốt khi phát hiện một thai phụ nhảy lầu tử vong sau lưng tòa nhà CT4 Văn Khê. Được biết người phụ nữ này sinh năm 1985, sống cùng chồng tại tầng 16 CT4 Văn Khê và đang mang bầu đến tháng thứ bảy.

Đôi vợ chồng trẻ này mới cưới từ năm ngoái. Họ được bố mẹ cho ở riêng trong căn hộ này. Bố mẹ đôi bên đều ở xa, con dâu không phải chịu cảnh “sống chung với mẹ chồng”. 

Người dân sinh sống ở đây nhận định có thể do lục đục vợ chồng hoặc bà bầu mang thai gần sinh, mệt mỏi, nghĩ quẩn.

Cái chết của mẹ bầu này khiến ai cũng cảm thấy vừa giận vừa thương nạn nhân, mình tự tử còn kéo theo cả đứa con vô tội trong bụng.

Trầm cảm khi mang thai, mẹ bầu nhảy từ tầng 16 chung cư tự vẫn. Ảnh: MXH

Thực tế không hiếm những vụ việc thai phụ tự tử khiến dư luận rúng động. Tháng 7/2018, chỉ vì quá áp lực trong cuộc sống, cô giáo đang mang bầu 7 tháng ở Hải Dương đã để lại thư tuyệt mệnh trong cốp xe rồi nhảy cầu tự vẫn.

Bức thư tuyệt mệnh của bà bầu 7 tháng. 

Cho dù lý do là gì nhưng thiệt thòi đầu tiên thuộc về hai mẹ con xấu số. Từ câu chuyện đau lòng đó, người ta mới chợt giật mình nhận ra không chỉ có trầm cảm sau sinh mà chị em có thể mắc trầm cảm ngay từ trong thai kỳ.

Vì sao bà bầu dễ bị trầm cảm?

Có nhiều mẹ bầu tâm sự từ khi mang thai, họ hay buồn bã, tức giận. Gần sinh con, cảm giác này càng tăng lên, đặc biệt là hay suy nghĩ vẩn vơ, lo lắng, sợ hãi rất nhiều chuyện rồi gặp ác mộng khi đi ngủ chập chờn. Đêm không ngủ được sâu nên sáng dậy mẹ bầu rất mệt mỏi. Có mẹ bầu đã từng nghĩ đến chuyện bỏ thai để được trở về với nhịp sống bình thường như trước kia.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Đính, Trưởng khoa Dịch vụ D5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đây chính là triệu chứng trầm cảm thai kỳ mà ít người để ý và phát hiện ra bệnh.

Bác sĩ Trần Ngọc Đính, Trưởng khoa Dịch vụ D5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: BSCC

“Khi có thai tâm lý, cảm xúc phụ nữ thay đổi dễ dẫn đến trầm cảm, nếu không được chăm sóc đúng mức có thể dẫn tới những hành vi tiêu cực. Việc phát hiện trầm cảm khi mang thai là điều không dễ, nhiều người không biết hoặc giấu đi nên khi bệnh biểu hiệu thì ở mức độ nặng”, bác sĩ Ngọc Đính cho hay.

Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị trầm cảm. Lý do đây là thời gian người bị mẹ thay đổi hormone, tăng Estrogen gây ra những rối loạn, thay đổi trong cảm xúc và tâm lý, sản phụ nhạy cảm hơn với các vấn đề xảy ra.

Một lý do khác cần lưu ý là do áp lực ra đình. Đây là lý do khá phổ biến, như áp lực sinh con trai, mọi người hỏi han, quan tâm quá mức đến cân nặng của đứa trẻ trong bụng. Những câu hỏi vô tình cũng có thể gây ra stress khủng khiếp cho mẹ bầu. Mối lo không có tiền, sợ con khổ, sợ không nuôi được con luôn thường trực trong đầu thai phụ dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh lý trầm cảm.

Ngoài ra còn có lý do biến cố thai kỳ trước gặp phải. Đó là sảy thai, thai lưu, đẻ non... Điều này gây ra những căng thẳng, sợ hãi về an toàn của thai dẫn đến những bất ổn về tâm lý cho bà mẹ. Có những người lo lắng quá mức đến nỗi đi khám thai quá nhiều lần.

“Thai kỳ đang có nguy cơ như doạ sinh non, rau tiền đạo, tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng... cũng khiến sản phụ lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng”, bác sĩ Đính nói.

Chớ coi thường trầm cảm thai kỳ!

Bác sĩ Ngọc Đính khẳng định gia đình cũng như mẹ bầu tuyệt đối không coi thường trầm cảm thai kỳ.

“Không nên coi thường chứng trầm cảm khi mang thai vì không chỉ gây ra những tổn thương tâm lý sản phụ mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho thai nhi và trẻ sơ sinh như nguy cơ sảy thai, đẻ non, kém phát triển thần kinh, thể chất… Còn với mẹ bầu dễ dẫn đến các rủi ro như tự tử, từ bỏ thai, tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Khi có bất kỳ những suy nghĩ “lệch lạc” nào, thai phụ hãy tìm đến bác sĩ để giải tỏa lo lắng, căng thẳng và can thiệp sớm để tránh gây hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Đính cảnh báo.

Những dấu hiệu trầm cảm khi mang thai mẹ bầu cần biết:

Lo lắng quá mức: Mẹ bầu luôn thường trực trạng thái sợ hãi, lo lắng bắt nguồn từ tưởng tượng về thai trong bụng, thai có khoẻ không, có làm sao không... rồi động chút là tự đặt câu hỏi có làm sao không?

Kém tập trung: Sản phụ rất hay quên, ngày dự sinh quan trọng như vậy, bác sỹ nhắc lại mà vẫn quên.  

Dễ cáu gắt, thay đổi cảm xúc: Dễ buồn, dễ vui, dễ cáu giận, thậm chí có lúc mẹ bầu bật khóc như một đứa trẻ.

Không quyết đoán: Trước một vấn đề sản phụ khó đưa ra được quyết định hay sự lựa chọn của mình. Nhiều trường hợp bác sỹ tư vấn cho sản phụ thứ tốt nhất nhưng họ vẫn “lấn cấn”:”Để em hỏi ý kiến chồng em đã”.

Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ là vấn đề bình thường của phụ nữ khi mang thai, nhưng khi có những dấu hiệu như mộng du, ác mộng thì cần xem xét đến bệnh lý trầm cảm.

Thường xuyên nghĩ đến việc từ bỏ thai, cái chết: Họ nghĩ tới phương án này để giải thoát cho bản thân. Lúc này, bệnh trầm cảm thai kỳ đã ở mức độ nặng, cần đưa mẹ bầu tới gặp bác sĩ để được can thiệp ngay.