Chiêu trò lừa đảo, tung tin sai của streamer ở lễ tang nghệ sĩ Vũ Linh
- “Hot! Vợ nghệ sĩ Vũ Linh bất ngờ xuất hiện ở đám tang, quỳ gối trước linh cữu”
- “Trực tiếp tại đám tang Vũ Linh: Nghệ sĩ Tài Linh ngã quỵ trước thi hài của Vũ Linh vì lời hứa dang dở”; “Nghệ sĩ Tài Linh từ Mỹ về Việt Nam, khóc lớn trước di ảnh của Vũ Linh”
- “Nóng: Hoài Linh xuất hiện tại đám tang Vũ Linh, công bố di chúc của cố nghệ sĩ”…
Trên đây là hàng loạt tiêu đề xuất hiện tại YouTube kể từ thời điểm lễ tang của nghệ sĩ Vũ Linh diễn ra tại nhà riêng ở Phú Nhuận (TP.HCM) vào ngày 6/3.
Những thông tin giả về danh tính, đời tư của nghệ sĩ Vũ Linh tiếp tục lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội vài ngày qua. Ngoài đời, các streamer (YouTuber, TikToker, Facebooker) vẫn tiếp tục bất chấp ghi hình, livestream rồi cắt ghép, chỉnh sửa và đăng tải nhiều clip có nội dung sai lệch.
Chiêu trò đưa tin giả khi nghệ sĩ qua đời không phải hiện tượng vừa xảy ra mà trở thành vấn nạn nhức nhối trong những năm gần đây. Điều đáng nói, khi thân nhân của nghệ sĩ bức xúc, công chúng phẫn nộ thì các nền tảng mạng xã hội vẫn bất lực với việc kiểm soát và kiểm duyệt những video kể trên.
Kể từ khi gia đình thông báo tin nghệ sĩ Vũ Linh qua đời (5/3) đến trong quá trình diễn ra lễ tang tại nhà riêng ở Phú Nhuận, hàng chục TikToker, YouTuber đã túc trực ngay cổng vào từ sáng sớm tới đêm muộn. Số lượng này ngày càng tăng lên theo cấp số cộng.
Mỗi khi nghệ sĩ tới viếng, các streamer hô hào nhau chạy ra, tìm mọi cách xông vào, giơ điện thoại sát mặt để ghi hình. Tiếng cười đùa, vỗ tay, la hét xen lẫn những lời thuyết minh để phục vụ người xem trên mạng tạo ra khung cảnh hỗn loạn giữa không khí trang nghiêm của lễ tang.
Vừa livestream, họ vừa thuyết minh qua màn hình điện thoại: “Nghệ sĩ Ưu tú Tài Linh vừa bay từ Mỹ về Việt Nam để dự lễ tang của Vũ Linh”, trong khi khách tới viếng là một người khác. Hoặc “Nghệ sĩ Hoài Linh, Trấn Thành tới thắp hương, chia buồn với người thân của nghệ sĩ Vũ Linh”, nhưng trên thực tế chỉ là nhân viên giao hàng đưa vòng hoa viếng mà Hoài Linh hoặc Trấn Thành gửi tới.
Sau khi ghi hình xong, các YouTuber, TikToker tập trung lại ở một quán cà phê và chỉ cho nhau những chiêu trò để clip tăng lượt view. Để đánh lừa khán giả, nhiều streamer sử dụng biểu tượng vòng tròn màu đỏ tương tự logo phát trực tiếp của YouTube hoặc thiết kế thumbnail là hình ảnh của Vũ Linh - Tài Linh lúc sinh thời ghép với ảnh lễ tang.
Chỉ vài phút sau, clip có tiêu đề: “Trực tiếp tại đám tang Vũ Linh: Nghệ sĩ Tài Linh ngã quỵ trước thi hài của Vũ Linh vì lời hứa dang dở” nhanh chóng hữu hình trên YouTube, thu hút gần 100.000 lượt người theo dõi. Thế nhưng, trong clip kéo dài hơn 3 phút, hoàn toàn không đề cập đến nghệ sĩ Tài Linh mà chỉ là loạt ảnh con cháu, nghệ sĩ, khán giả tới viếng mà streamer cắt ghép, tổng hợp từ các phương tiện truyền thông chính thống kèm bình luận.
Đỉnh điểm, nhiều streamer đăng tải clip có nội dung sai lệch: “Ông hoàng cải lương Hồ Quảng” Vũ Linh thời trẻ ăn chơi, nên cuối đời tán gia bại sản, sống trong cô độc nghèo khó”; “Vợ và con ruột của Vũ Linh xuất hiện ở đám tang gây rối, đòi chia tài sản”; “Di chúc của Vũ Linh là để tài sản lại cho con gái nuôi nghệ sĩ Bình Tinh”… khiến cho thân nhân của nghệ sĩ bức xúc.
Ngày 7/3, đại diện gia đình phải lên tiếng đính chính để bảo vệ danh dự của người đã khuất. Hồng Phượng - cháu gái Vũ Linh - nói: “Mọi người quan tâm cậu là điều dĩ nhiên. Vì cậu là thần tượng của nhiều nghệ sĩ và khán giả. Cậu được thương tiếc khiến gia đình tôi hạnh phúc. Nhưng tôi mong các bạn (YouTuber, TikToker - PV) để cho hình ảnh người nghệ sĩ luôn đẹp. Rất nhiều nghệ sĩ đã lâm vào cảnh này chứ không riêng gì cậu tôi".
Vấn nạn tung tin giả về nghệ sĩ từng xuất hiện trong lễ tang của Chí Tài (12/2020). Cố nghệ sĩ Mai Phương, Phi Nhung, Anh Vũ cũng là “nạn nhân” của trào lưu livestream điên cuồng và câu view bất chấp.
Dù thân nhân của nghệ sĩ thảm thiết kêu gọi YouTuber, TikToker dừng những hành động vô đạo đức, báo chí, truyền thông nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo, vấn nạn tung tin giả vẫn không có dấu hiệu thay đổi. Để tranh lượt view, giành lợi thế cho kênh của họ, các streamer cố tìm mọi cách có được nội dung độc, lạ, giật gân, thậm chí sai lệch bản chất thông tin, miễn số lượng người xem cao.
Trong bối cảnh đó, các nền tảng mạng xã hội lớn như YouTube, TikTok cũng dường như bất lực trong việc ngăn chặn nội dung bẩn nói trên.
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Tiến Hải Dương (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết hành vi của các TikToker, YouTuber nói trên là vi phạm pháp luật vì xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của những người đã mất và thân nhân của họ, theo Khoản 1 Điều 34 Bộ luật dân sự.
Ngoài ra, hành vi đưa thông tin sai sự thật về nghệ sĩ vừa qua đời cũng vi phạm luật an ninh mạng. Luật sư chỉ ra Điều 8, Điều 16 và Điều 18 Luật an ninh mạng quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để: “Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
“Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi: “xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác”. Điều 155 Bộ luật hình sự quy định người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì bị phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra còn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù tùy vào tính chất, mức độ vi phạm. Ngoài ra, việc sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội cũng là một tình tiết làm tăng nặng hình phạt”, luật sư Hải Dương cho biết.
Luật sư nói thân nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đã mất bằng cách tiến hành thu thập và lưu giữ chứng cứ vi phạm với nhiều biện pháp khác nhau (chụp ảnh, quay phim lại, tải về clip vi phạm, hoặc thậm chí thuê thừa phát lại lập vi bằng clip vi phạm).
Sau đó, nhân thân người đã mất có thể yêu cầu các streamer gỡ bỏ clip vi phạm, đăng tải lời xin lỗi, cải chính thông tin, cũng như bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trong trường hợp người vi phạm không thực hiện theo yêu cầu, nhân thân người đã mất có thể phản ánh lên chính quyền địa phương nơi người vi phạm cư trú để yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, gia đình nghệ sĩ vừa qua đời có thể gửi đơn tố giác tội phạm lên cơ quan công an về tội làm nhục người khác nếu cho rằng các streamer này đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của mình và người đã khuất.
Đồng thời, nhân thân còn có thể gửi đơn phản ánh đến lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để yêu cầu can thiệp nhằm xóa bỏ các clip mà họ xác định là bịa đặt, xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm của họ và cố nghệ sĩ.
Nhờ thành công của 'Vĩnh dạ tinh hà', Ngu Thư Hân và Đinh Vũ Hề được người hâm mộ ủng...
Sự kết hợp ăn ý của Ngu Thư Hân và Đinh Vũ Hề trong bộ phim "Vĩnh dạ tinh hà"...
Một sao nữ vì Ngu Thư Hân mà phải thay đổi kịch bản phim
Dù "Vĩnh dạ tinh hà" do Ngu Thư Hân đóng chính đã chiếu hết thế nhưng những thông tin xoay...
Bạn gái Huỳnh Hiểu Minh biến mất khỏi mạng xã hội trước nguy cơ bạn trai 'thua lỗ phòng vé'?
Mới đây, Diệp Kha - bạn gái của Huỳnh Hiểu Minh đã lặng lẽ khóa toàn bộ trang cá nhân...
Nối gót Dương Mịch, Triệu Lộ Tư gây thất vọng vì 2 bộ phim thất bại liên tiếp
Rèm Ngọc Châu Sa vốn được tin sẽ là “bom tấn” màn ảnh nhỏ trong cuối năm 2024 này nhưng...