Ăn dặm là một bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển của bé trong những năm tháng đầu đời.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ khi được tròn 6 tháng tuổi vì khi đó hệ tiêu hóa của trẻ mới phát triển tương đối hoàn thiện để có thể tiêu hóa và hấp thu được các loại thức ăn đặc và “phức tạp” hơn sữa mẹ.

Vậy khi bước vào giai đoạn ăn dặm, cha mẹ cần chuẩn bị những gì? Chúng ta cùng chị Nguyễn Thị Kim Thoa (28 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hồ Chí Minh) tìm hiểu kĩ hơn về quãng thời gian đáng nhớ này của các con nhé!

Chị Thoa cùng chồng và con trai (Ảnh NVCC)

Trước khi con trai chị là bé Trần Gia Phúc (bé Gold, sinh ngày 15.02.2018) bước vào thời kì ăn dặm, chị Thoa đã chuẩn bị rất nhiều từ kiến thức cho tới các dụng cụ để phục vụ cho việc nấu nướng, chế biến các món ngon cho con.

Chị chia sẻ: "Em đã chuẩn bị khá kĩ cho công cuộc mới này từ: Ghế ăn, yếm ăn, bát, thìa, máy xay, cái rây, vỉ hấp,  khuôn cơm, khuôn cắt rau hình thù ngộ nghĩnh,  túi Ziplock, hộp trữ thực phẩm. Dụng cụ chế biến thông thường: nồi, chảo, thớt, dao, kéo...

Khi con có dấu hiệu có thể bắt đầu ăn dặm như: Bé đã ngồi vững và cứng cổ, bé biết đưa môi dưới về phía trước để lấy thức ăn từ thìa, lưỡi không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ, bé thích thú với thức ăn, bé đói dù đã được bú cả ngày. Khi bé Gold gần 6 tháng là mẹ con em bắt đầu cuộc hành trình mới". 

Chị Thoa cùng con trai đã trải qua thời kì ăn dặm một cách suôn sẻ. Và đặc biệt với bé Gold, ăn dặm chưa bao giờ là cuộc chiến. Sau quãng thời gian này, chị Thoa rút ra 1 số kinh nghiệm như sau: 

Nguyên tắc khi cho bé ăn dặm

Cho bé ăn đúng thời điểm
Không nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi
Không để ý chuyện bé ăn nhiều hay ít. Số lượng không quyết định chất lượng.
Không ép bé ăn, không dọa dẫm bé vì bé sẽ sớm chán ghét chuyện ăn uống.
Chỉ cho bé ăn thức ăn mới khi cơ thể khỏe mạnh. Không thử nghiệm khi bé mọc răng, bị cảm, mệt.
Nên lưu ý những loại thức ăn có thể gây dị ứng cho bé.
Không bế ăn rong, không xem đt ipad khi ăn
Tập cho bé ngồi vào ghế khi ăn

Cậu bé vô cùng đáng yêu - Ảnh NVCC

Ngoài việc ăn dặm, mẹ vẫn cần cho bé bú sữa đầy đủ để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bé. Mỗi bữa ăn, mẹ phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất: Nhóm chất bột đường (gạo, khoai, yến mạch…), nhóm chất đạm, nhóm rau củ và trái cây, nhóm chất béo.

Cách chế biến:

Cách nấu cháo 1:10: Mẹ chỉ cần lấy gạo và nước theo tỉ lệ 1:10 (1 gạo 10 nước) cho vào bát sứ, đặt bát sứ ấy vào nồi cơm điện nấu cùng lúc với cơm của nhà. Khi cơm chín để thêm 30p đến 1h cháo sẽ chín. Sau khoảng 1 tháng bé ăn dặm thì giảm tỉ lệ còn 1:7 và giảm dần theo tỉ lệ 1:5.

Cách nấu cơm nát: Lấy gạo và nước theo tỉ lệ 1:3 (1 gạo 3 nước) cho vào bát sứ, đặt bát sứ ấy vào nồi cơm điện nấu cùng lúc với cơm của nhà.

Món ăn không những ngon mà còn đẹp mắt - Ảnh: NVCC

Cách chế biến thịt và cá: Các mẹ nên chọn thịt cá trắng (ưu tiên cá trước thịt vì cá mềm và lành tính). Thịt cá có thể hấp hoặc luộc, mẹ Gold ưu tiên hấp vì sẽ giữ được vị ngọt của thịt cá. Rây thịt/cá qua lưới hoặc giã, xay, sau đó hòa loãng bằng nước dashi. Đối với rau củ cũng tương tự. Khi con được 7 tháng, các mẹ tăng dần độ thô lên cho con.

Về lịch ăn:

Khi bé 6 tháng tuổi, mẹ chỉ nên cho bé ăn dặm 1 bữa trưa duy nhất. Đến 7 tháng tuổi mẹ có thể tăng lên 2 bữa. Khi bé được 11 tháng thì tăng lên 3 bữa chính.

Bữa phụ (trái cây, sữa chua, flan, đậu hũ non, sinh tố, bánh...) các mẹ có thể thêm vào lịch ăn của con khi con dc 7m và ăn sau khi ngủ trưa dậy. 

Ảnh: NVCC

Về lượng thức ăn: Trong lần đầu ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé nếm thử 5ml cháo rây khoảng 3 - 4 ngày đầu. Khi nhận thấy bé hợp tác và muốn ăn thêm nhiều hơn, mẹ tăng từ từ cho bé lên 10ml – 20ml – 40ml (bao gồm cháo + rau củ) bữa tùy theo khả năng ăn của bé. Sau 1 tháng ăn dặm, lượng ăn của tháng kế tiếp các mẹ cho bé ăn tuỳ vào nhu cầu của bé.

* Giai đoạn 6-7 tháng:

Mẹ nên chọn các loại rau có lá xanh thẫm và chỉ dùng lá, không nên dùng cọng, thân. Các loại củ, quả hấp mềm như súp lơ, cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí đỏ, susu, su hào, các loại đậu, táo, lê…

Món ngon mẹ làm cho Gold - Ảnh: NVCC

* Giai đoạn 7-12m:

Lúc này mẹ có thể giới thiệu đạm động vật cho bé như trứng (chỉ dùng lòng đỏ), thịt cá trắng (cá sông), thịt heo, lươn, gà, bò, tôm... Lượng thịt, cá trong bữa ăn của bé giai đoạn này là khoảng 15g/ phần ăn.

Các loại hải sản có vỏ cứng như trai, sò, hào… chưa thích hợp với bé trong giai đoạn này vì có thể làm tăng nguy cơ dị ứng. Tốt nhất nên chờ con qua 1 tuổi mới dùng.

Hi vọng với những chia sẻ này giúp các mẹ có thêm kinh nghiệm, kiến thức cũng như sự kiên nhẫn để cùng bé vượt qua thời kỳ ăn dặm thật dễ dàng và thành công.