Cháy nhà máy phích nước Rạng Đông, mối lo nhiễm độc thủy ngân

Vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông được đánh giá là một sự cố môi trường, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân Hà Nội.

Vào khoảng 18 giờ 5 phút chiều 28/8, đám cháy đã bùng phát tại kho chứa hàng thuộc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, tại địa chỉ phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội.

Khu vực xảy ra cháy nằm trong khuôn viên khu vực kho chứa hàng hóa bao gồm: Kho compact, kho bóng đèn huỳnh quang, kho phích, kho đèn bàn, vật tư ngành xưởng và một số kho xưởng nhỏ khác. Tổng diện tích nhà kho, xưởng bị cháy khoảng 6000m2.

Vụ cháy kinh hoàng tại nhà máy phích nước Rạng Đông với toàn bộ bóng đèn huỳnh quang chứa chất thủy ngân lỏng đã bị cháy rụi.

Đến khoảng 23h30’ cùng ngày, đám cháy cơ bản đã được dập tắt. Rất may mắn vụ cháy kinh hoàng này không gây thiệt hại về người. Thế nhưng sự cố này đã khiến nhiều nhà dân phải đóng cửa, sơ tán về quê, đi khám sức khỏe trong mối lo bị nhiễm độc thủy ngân phát tán ra môi trường.

Ngày 8/9, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy đêm 28/8 có chứa thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn so với viên amalgam).

Không khí ô nhiễm “mù đặc” và nỗi sợ bụi mịn tấn công

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh những ngày cuối tháng 9 chìm trong lớp “sương mù” do ô nhiễm không khí và bụi mịn khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, lo lắng.

Trang Airvisual thống kế Hà Nội thời điểm đó nằm trong nhóm 10 thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới. Thậm chí, có thời điểm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại thủ đô của nước ta được ghi nhận cao nhất thế giới với 187 (ngày 26/9).

Chất lượng không khí tại Hà Nội cuối tháng 9 thường xuyên ở mức kém, đặc biệt vào đầu giờ sáng. Ảnh: Zing.vn

Chỉ số AQI trên 100 được cảnh báo đã ảnh hưởng đến sức khỏe nên khi gần chạm ngưỡng 200 thì người dân cần hạn chế ra ngoài bởi đây là mức đặc biệt nguy hại. “Xin không khí sạch ở đâu?” là câu hỏi khiến nhiều bà mẹ “nhức não” vì con ốm, ho liên miên. Không chỉ gia tăng bệnh nhân đường hô hấp mà số lượng người bị bệnh da liễu cũng tăng lên rõ rệt.

Lớp "sương mù" dày đặc đến nỗi không nhìn rõ cầu Nhật Tân. Ảnh: Thu Hà

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Minh Trang, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) cho biết tuy chưa có thống kê cụ thể về số lượng bệnh nhân đến khám bệnh da liễu trong những ngày Hà Nội ô nhiễm "đỉnh" nhưng ghi nhận chẩn đoán các bệnh liên quan đến dị ứng như viêm da tiếp xúc dị ứng, mày đay, viêm da cơ địa tăng lên rõ rệt.

Để chống lại bụi mịn, khẩu trang chống bụi mịn PM2.5 bất ngờ trở thành mặt hàng “sốt” chưa từng có. Dù giá khẩu trang chống bụi mịn lên tới tiền triệu nhưng vẫn đắt hàng.

Nước sinh hoạt nhiễm dầu thải, dân xếp hàng lấy nước sạch lúc nửa đêm

Những ngày giữa tháng 10/2019, người dân Thủ đô vô cùng hoang mang vì nước sinh hoạt có mùi lạ.

Theo thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, sở dĩ nước có mùi như vậy là do bị nhiễm dầu thải từ thượng nguồn sông Đà. Trước tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã ra khuyến cáo về việc không sử dụng nước sông Đà để ăn uống, mà chỉ dùng trong sinh hoạt hàng ngày.

Dân xếp hàng lấy nước sạch sau sự cố nước đầu nguồn nhiễm dầu thải. Ảnh: H.T.

Tại các khu dân cư và chung cư, người dân xếp hàng chờ lấy nước, nhiều lúc còn phải thức thâu đêm để xách nước. Rất nhiều hộ gia đình đổ xô lắp đặt máy lọc nước, mua nước đóng bình nhằm giảm thiểu tối đa các chất có hại trong nước.

Cũng trong ngày 15/10, trả lời trước báo chí, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ngay khi nhận được thông tin về nước sạch có mùi lạ, đơn vị đã cử tổ công tác đi kiểm tra.

Hình ảnh đáng sợ nước nhiễm dầu thải được cư dân mạng chia sẻ trong những ngày qua. 

Theo ông Chung, nguồn ô nhiễm này xuất phát từ việc có người đổ dầu phế thải vào đầu con suối, sau đó chảy ra hồ và nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến dòng nước nhiễm dầu chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy. Từ hệ thống lọc nước này đã chảy vào hệ thống nước ăn của người dân.

"Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường. Mùi này qua kết quả xét nghiệm xác định, đó là liên quan đến chất Styren và có tỷ lệ từ 1,3 - 3,6 lần, cao hơn so với mức bình thường”, ông Chung cho hay.

Nước sạch khan hiếm, dân mang đủ thứ chai lọ đi lấy nước. Ảnh: H.T

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, styren là chất lỏng có khả năng tạo thành hỗn hợp khí gây nổ lớn nếu cất giữ trong các thùng rỗng và có chứa nhiều tạp chất, gây ô nhiễm môi trường. Hơi styren rất nguy hiểm, gây kích ứng mạnh với da và mắt. Hít phải hơi styren sẽ gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận và hệ thần kinh trung ương...

Nói về sự cố môi trường đang gây bức xúc, hoang mang dư luận này, luật sư Nguyễn Hưng, PGĐ Công ty luật The Light khẳng định: “Đây không chỉ là sự cố môi trường mà rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thiệt hại với môi trường và ô nhiễm nguồn nước cũng như sức khỏe chưa thể xác định được

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc khởi tố vụ án để điều tra ngay các cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật và xử lý thật nghiêm để tránh hành vi vi phạm tương tự”.

Dân đổ xô mua nước đóng chai, đóng bình để sử dụng khi nước sinh hoạt nhiễm dầu thải. Ảnh: T.H.

Vị luật sư cho biết thêm gia đình anh cũng nằm trong diện nước sinh hoạt nhiễm dầu thải và đã sử dụng nước đó để sinh hoạt trong mấy ngày qua.

“Một cảm giác khó chịu không thể tả khi phải dùng nước có mùi khét nồng nặc pha lẫn mùi clo tẩy trùng để sinh hoạt. Hậu quả của việc sử dụng nước nhiễm dầu thải đến sức khỏe chưa thể đong đếm được. Nhìn hình ảnh đầu nguồn mà sợ hãi!”, Luật sư Hưng bày tỏ.