Theo thông tin từ Gia đình vã Xã hội, nữ bệnh nhân nữ 26 tuổi, ngụ quận Bình Tân khi đến khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám trong tình trạng bị áp xe, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là ngực phải sưng to, đỏ, có mủ

Bệnh nhân kể, trước đó 3 tuần, thấy quảng cáo dịch vụ tiêm filler ngực với những hình ảnh “bắt mắt” nên đã liên hệ. Sau khi thỏa thuận, 2 bên thống nhất địa điểm tiêm filler tại một khách ở TP.HCM. Bệnh nhân cho biết đã được tiêm 350cc dung dịch với giá 25 triệu đồng vào ngực. Sau tiêm, hai bên ngực bệnh nhân bị đỏ và đau. Bệnh nhân được trấn an là “dấu hiệu bình thường sau tiêm”.

Bác sĩ thăm khám cho nữ bệnh nhân - Ảnh: Gia đình và Xã hội

Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, vùng ngực bên phải sưng to, cương mủ, đỏ và đau nhức nhiều. Bệnh nhân tiếp tục được người tiêm hướng dẫn uống thuốc Zinnat, ngậm Alphachoay và dùng nước ấm lăn ngực. Tuy nhiên, tình trạng không đỡ mà ngày càng tệ hơn, ngực bên phải đỏ và có mủ nhiều hơn. 

Sau vài ngày bệnh nhân nhập viện, khối áp xe đã tự vỡ và chảy nhiều mủ và chất làm đầy ra ngoài. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng viêm. Các bác sĩ đã hội chẩn, quyết định phẫu thuật cho người bệnh để nạo rửa mủ.

Phẫu thuật, nạo rửa nhiều lần để xử lý ổ mủ trong ngực cho bệnh nhân - Ảnh: VOV

Liên quan đến trường hợp trên, theo VOV, Bác sĩ Lê Thảo Hiền, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh, cho biết tiêm chất làm đầy tăng kích thước vùng ngực tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại như gây tắc mạch do chèn ép mạch máu, gây thiếu máu cấp dẫn đến hoại tử vùng ngực, gây hoại tử vùng ngực hoặc thuyên tắc mạch máu phổi và tim dẫn đến tử vong.

Bác sỹ khuyến cáo, tiêm chất làm đầy là một kỹ thuật khó, bắt buộc người thực hiện phải là bác sỹ da liễu, thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về kỹ thuật tiêm chất làm đầy. Cùng với đó, cần lựa chọn kỹ thuật tiêm phù hợp, mỗi khu vực có định lượng rõ ràng, tuyệt đối phải đảm nguyên tắc về vô trùng... Khi có nhu cầu tiêm filler làm đẹp, người dân phải đến các các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép tiêm filler, tuyệt đối không “tiêm filler lưu động” để tránh tai biến.