Chênh lệch dịch vụ y tế giữa đô thị và nông thôn gia tăng bất bình đẳng xã hội
Chào mừng thành công Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, ngày 21-12, tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám (Hà Nội) đã diễn ra lễ mít tinh Tiếp cận y tế toàn diện - vì một Việt Nam khỏe mạnh .
Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu thực tế, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tình trạng thiếu công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế giữa các khu vực là vấn đề nan giải hiện nay.
Tại đô thị, người dân được tiếp cận với hệ thống cơ sở y tế hiện đại, trang thiết bị tiên tiến và đội ngũ bác sĩ chất lượng cao. Trong khi đó, ở nông thôn, miền núi và hải đảo, nhiều trạm y tế xã vẫn thiếu trang thiết bị cơ bản và nhân lực y tế chuyên môn.
Bên cạnh đó, các dịch vụ y tế chuyên sâu như điều trị ung thư, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hay y học cá thể gần như chỉ tập trung tại các thành phố lớn, khiến người dân ở các khu vực khó khăn không thể tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến.
Công tác phòng chống dịch bệnh tại những vùng khó khăn cũng gặp nhiều hạn chế do thiếu điều kiện tổ chức tiêm chủng hoặc giám sát dịch bệnh hiệu quả, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch cao hơn.
Những chênh lệch này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn gia tăng bất bình đẳng xã hội. Từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về các chính sách đầu tư và cải thiện toàn diện để đảm bảo công bằng y tế cho mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước.
Thứ trưởng khẳng định, chương trình Tiếp cận y tế toàn diện không chỉ là một mục tiêu mà còn là sứ mệnh cốt lõi của ngành y tế trong hành trình chăm sóc sức khỏe toàn dân.
"Đây là cam kết bảo đảm mọi người dân, không phân biệt vùng miền, dân tộc, giới tính hay tình trạng kinh tế, đều được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ y tế chất lượng.
Công bằng trong y tế không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu mà còn mở rộng tới xây dựng một hệ thống y tế vững mạnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số và người sống ở vùng sâu, vùng xa" - Thứ trưởng nói.
Theo TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các chương trình của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tập trung vào huy động rộng rãi sự tham gia của cộng đồng, các đơn vị chuyên môn và các tổ chức. Từ đó cùng nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, quản lý bệnh không lây nhiễm mạn tính thông qua triển khai các công cụ kỹ thuật số.
Để đảm bảo việc tiếp cận y tế toàn diện cho người dân, cần triển khai các giải pháp đồng bộ và chiến lược dựa trên 3 hướng chính: tiếp cận chính sách, tiếp cận y tế cơ sở và tiếp cận người dân.
"Mỗi hướng đi đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả"- ông Đức nói.
Giai đoạn 2025-2030, các đơn vị đối tác sẽ đồng hành cùng Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức các hội nghị đối tác y tế, đối thoại Chính phủ và Quốc Hội, các chương trình hỗ trợ, trang bị và nâng cao năng lực y tế cơ sở, các chương trình khám tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Trước mắt, Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam cam kết hỗ trợ mỗi năm 1 triệu lượt đọc AI sàng lọc bệnh phổi, bệnh lao và ung thư phổi; hỗ trợ khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng cho 20.000 người dân mỗi năm cũng như nhiều hoạt động thúc đẩy khoa học công nghệ, y tế xanh trị giá hàng chục tỉ đồng.
Biến chatbot AI thành người tình
Những mối quan hệ ảo có thể giúp người trẻ xoa dịu nỗi cô đơn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều...
Trào lưu 'thay đầu' vô thực gây tranh cãi tại Trung Quốc
Những màn "lột xác" 180 độ của nhiều người có sức ảnh hưởng trên MXH tạo ra làn sóng thay...
Bức ảnh ăn mừng ly hôn gây 'bão mạng' Trung Quốc
Nổi lên từ tháng 9, dịch vụ chụp ảnh ly hôn đang trở lại Trung Quốc, thu hút sự chú...
Quảng Nam chấn chỉnh việc để người dân vất vả đi xin xác nhận bệnh cho đúng với nghị quyết
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, các địa phương hiểu máy móc, làm khó người dân. Lãnh đạo tỉnh...