Một anh kỹ sư góa vợ yêu một chị giáo viên tiểu học đã ly hôn được mấy năm và đang sống với con trai 8 tuổi. Ngay lần đầu tiên chị đưa người yêu về làm quen với con, nó đã nhìn anh này bằng đôi mắt gườm gườm.

Thôi thì qua sông phải lụy đò, anh ta đến bên nó chủ động bắt chuyện nhưng nó không trả lời và tỏ vẻ khó chịu. Anh ta đã bực mình nhưng cố cười gượng làm nó càng ghét hơn. Thế là từ hôm đó họ dùng chiến thuật “du kích” cứ nhắn tin cho nhau rình lúc đứa bé đi học là đến nhà.

Ngờ đâu một lần hai người đang ôm nhau ngoài phòng khách thì thằng bé về bất ngờ vì cô giáo ốm. Vừa nhìn thấy cảnh ấy nó tức tối đuổi anh này ra. Lần sau nhìn thấy anh ta từ đầu ngõ, nó đóng cửa không cho vào.

Cần phải giải quyết êm thấm mối quan hệ giữa con riêng- bố dượng mới có thể kết hôn. Ảnh minh họa

Lại một anh đến chơi với người yêu vào buổi tối. Nhưng vì vướng đứa con nhỏ 7 tuổi nên chỉ ngồi nói chuyện suông không làm gì được. Đợi mãi đến 9 giờ mẹ bế con vào giường ru nó ngủ được một lúc thấy êm êm chắc là nó ngủ rồi, anh ta mò vào định trèo lên giường nhưng chị xua tay không được vì sợ nó tỉnh dậy.

Anh ta bèn ngồi thụp xuống chân giường se sẽ đưa tay lên quờ quạng. Ai ngờ thằng bé bừng tỉnh làm toáng lên như có trộm vào nhà. Anh ta vội vàng chạy vọt ra cửa chuồn mất tăm. Tình cảnh ấy còn làm sao đến chung sống với mẹ con nó được?

Thậm chí có anh đưa tôi xem hai môi sưng vều vì bị thằng con riêng 17 tuổi của vợ đấm. 

 

gặp tôi thì mối quan hệ giữa bố dượng tương lai với con riêng của vợ đã như kẻ thù không đội trời chung rồi, cải thiện được mối quan hệ này là cực khó.

Giá như họ biết cách giải quyết ngay từ đầu thì dễ biết bao. Có lẽ vì thời trước theo lễ giáo phong kiến, “chồng chết thì theo con” (phu tử tòng tử) chứ ít ai đi bước nữa nên chúng ta không có những bài học kinh nghiệm về chuyện này.

Ngày nay, ly hôn nhiểu mà đa phần con ở với mẹ nên đây là một vấn đề không hiếm gặp nhưng lại ít được đề cập nên không phải ai cũng biết. Trong khi đó, ở các nước phát triển, hiện tượng này được nhiều chuyên gia về đời sống gia đình quan tâm. Nó trở thành một “kỹ năng mềm” không thể thiếu trong xã hội hiện đại.

Có những đứa trẻ vì ngây thơ hoặc ích kỷ, không hiểu được vì sao mẹ con đang sống yên ổn với nhau lại có một ông ở đâu xen vào chia sẻ tình cảm của nó?  Nếu đứa trẻ quá nhỏ chưa hiểu gì thì giải pháp tốt nhất là tạo điều kiện để bố dượng tương lai "chinh phục" nó.

Địa điểm để anh ta chiếm trái tim đứa trẻ có thể không phải ở nhà bạn mà ở những nơi vui chơi công cộng, nhất là khi nó nghĩ rằng tình cờ ông này gặp mẹ con nó và quen nhau ở công viên hay đâu đó. Khi đó nó tiếp nhận tình cảm của anh ta một cách vô tư hơn, chứ không nghĩ ông ấy vì yêu mẹ nên “giả vờ” tốt với nó.

Việc này đôi khi cũng công phu nhưng không quá khó đến nỗi không thể làm được. Một đứa trẻ thiếu bố hay chỉ thỉnh thoảng mới gặp bố đẻ của nó, bao giờ cũng khát khao tình cảm của một người cha. Do đó, khi gặp một người đàn ông thực sự yêu quý nó, nó chẳng dễ khước từ.

Nếu quá trình ấy diễn ra theo một “kịch bản” được dàn dựng kỹ lưỡng và “diễn xuất” thành công thì có thể chính đứa trẻ sẽ mời người đàn ông đó đến chơi nhà mẹ con nó. Bước khởi đầu tuy khó nhưng nếu thành công sẽ tạo đà cho mối quan hệ cha con gắn bó suốt đời.

Trái lại, nếu làm hỏng bước này rồi mới nhờ chuyên gia tâm lý can thiệp là đưa nhau vào chỗ bí.

Tôi biết có trường hợp, mẹ chẳng may chết sớm vì bệnh ung thư, bố dượng vẫn chăm nuôi đứa con riêng của vợ mà phải đến cuối đời, khi ông hấp hối, người con mới cất lên được hai tiếng: “Bố ơi!”