Bạn đọc Trần Huyền V. (32 tuổi, TP HCM), hỏi: Con trai và cháu trai tôi cùng 2 tuổi, hiện tôi đang tự tay chăm sóc và cho cả 2 ăn chế độ như nhau. Vài tháng gần đây, tôi có tăng cường cho 2 bé ăn nhiều vitamin A (vì gia đình tôi mọi người mắt hay kém nên tôi muốn phòng cho các bé).Tuy nhiên, với cùng chế độ ăn, cháu tôi vẫn khỏe mạnh, hồng hào trong khi con tôi thì có những đợt da vàng vọt khác thường.

Tôi nghe nói ăn nhiều rau củ sẽ dẫn đến hiện tượng này và vì sao con tôi bị, cháu tôi lại không bị? Phải chăng bé có bệnh gì?

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trả lời:

Hiện tượng vàng da nói trên là do ăn dư thừa các thực phẩm chứa beta-carotene, tiền chất của Vitamin A. Thứ này có nhiều trong các loại rau củ màu đỏ, vàng, cam như bí đỏ, gấc, cà rốt, cà chua, củ dền...

Việc 2 bé ăn như nhau nhưng có bé vàng da, bé thì không là do cơ địa và khả năng chuyển hóa của mỗi bé khác nhau. Cháu bạn có thể có khả năng chyển hóa tốt hơn nên đào thải được lượng vitamin A ăn dư thừa, nhưng con bạn thì khả năng chuyển hóa không bằng nên đã biểu hiện tình trạng vàng da.

Ảnh minh họa: Internet

Vàng da do dư thừa beta-carotene là dạng vàng da lành tính, chỉ cần một thời gian tạm dừng cho ăn các loại rau củ, trái cây quá giàu beta-carotene này, thay thế bằng các loại rau củ khác, bé sẽ tự khỏi mà không cần điều trị gì thêm. Tùy vào khả năng đào thải của các cháu bé, có cháu khỏi trong 2 tuần, có cháu đến 1-2 tháng.

Tuy nhiên, hiện tượng trên xảy ra cho thấy cách bạn cho 2 cháu bé ăn rau củ đã mất cân đối. Vitamin A và tiền chất beta-carotene là cần thiết cho cơ thể, bao gồm tốt cho thị giác, tuy nhiên ăn quá nhiều đến gặp tác dụng phụ thì rõ ràng là không tốt. Bé còn lại dù chưa biểu hiện vàng da nhưng nếu 2 bé được ăn như nhau thì bạn nên thay đổi thực đơn cho cả 2.

Các bé nên được ăn thêm các loại rau củ có màu sắc khác vì mỗi loại rau củ đều cung cấp cho cơ thể một số vitamin và chất dinh dưỡng khác nhau, chứ bé không chỉ cần mỗi vitamin A để có đôi mắt và cơ thể khỏe mạnh.

Về trường hợp của con bạn, hãy thay đổi thực đơn và theo dõi bé thêm, nếu bé khỏi dần thì bạn có thể yên tâm. Tuy nhiên, nếu đã ngưng ăn nhiều beta-carotene mà tình trạng vàng da vẫn kéo dài, hoặc có những đợt lặp lại, bạn nên đưa bé đi khám vì có thể bé bị vàng da vì những nguyên nhân khác.