Chào em,
Để trả lời cụ thể câu hỏi của em là điều rất khó, bởi vì thời gian mọc răng sữa, hoặc sau này là thời gian thay răng vĩnh viễn ở mỗi trẻ sẽ là khác nhau. Điều này tùy vào thể chất, dinh dưỡng của từng bé. Bé trai và bé gái cũng có thời gian mọc răng và thay răng không giống nhau, dù ở cùng một độ tuổi.
Mầm răng sữa thực ra đã được hình thành từ tuần thứ 3 của bào thai và được gọi là lá răng. Có thể thấy, việc hình thành mầm răng ở trẻ là từ rất sớm. Thậm chí sớm hơn nhiều so với những bộ phận quan trọng khác của cơ thể.
Và điều này cũng được sử dụng như một dữ liệu quan trọng để giải thích việc răng của trẻ bị tác động từ rất sớm bởi chế độ chăm sóc thai kỳ của bà mẹ. Trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ, những chất dinh dưỡng cần thiết để góp phần hình thành và phát triển mầm răng là rất quan trọng, như canxi, flour, vitamin D,…
Vì vậy, các bà bầu cần quan tâm tới những dưỡng chất này, để cung cấp đủ và toàn diện cho bé, nếu muốn sau này bé có một hàm răng tốt, một hàm răng đẹp. Chứ không phải đợi đến lúc răng mọc lên, thấy xấu mới “cuống cuồng” thì sợ là không còn cung cấp kịp nữa.
Việc răng sữa mọc lên bình thường cho thấy dấu hiệu của sự phát triển hệ xương và răng, biểu hiện cơ thể trẻ không bị thiếu canxi. Và ngược lại.
Một chiếc răng sữa mọc trong bao lâu được rất nhiều bà mẹ quan tâm. Đặc biệt ở những trẻ là con đầu lòng. Bởi kinh nghiệm trong vấn đề này chưa có. Thêm nữa, những mầm răng trắng như sữa, nhỏ nhắn xinh xắn đầu tiên mọc lên sẽ cho cha mẹ một cảm giác rất thiêng liêng.
Răng sữa cần một khoảng thời gian nhất định để nhú lên hết. Theo đó, trung bình đến tháng thứ 6, trẻ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên, 12 tháng có khoảng 6 răng và đến 24 tháng sẽ đầy đủ một hàm răng sữa gồm 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới.
Thời gian mọc răng của bé khác nhau về thể chất, có một số bé 4 - 5 tháng đã mọc răng, nhưng cũng có bé khoảng 1 tuổi mới bắt đầu xuất hiện chiếc răng đầu tiên. Tuy nhiên, mẹ không phải lo lắng vì trẻ chỉ cần mọc răng trong vòng 1 năm đầu đời thì vẫn hoàn toàn phát triển bình thường.
Trình tự và thời gian mọc răng của bé như sau:
4 cái răng cửa giữa của hàm trên và hàm dưới: 5-8 tháng
4 răng cửa bên: 7-10 tháng
4 răng hàm đầu tiên: 12-16 tháng
4 răng nanh: 14-20 tháng
4 răng hàm thứ 2: 20-32 tháng
Khi mọc răng, ở trẻ sẽ có những triệu chứng như: sưng nướu/lợi, chảy nước dãi, khó chịu, biếng ăn, quấy khóc, sốt nhẹ, hay cắn, gặm...thường xảy ra trước khi răng nhú lên từ ba đến năm ngày, và kết thúc sau năm đến bảy ngày. Cụ thể như sau:
Chảy nước dãi: Quá trình mọc răng sẽ kích thích nước dãi trong khoang miệng của bé chảy ra nhiều hơn.
Cằm và quanh miệng nổi ban: Do nước dãi chảy nhiều ra khỏi khoang miệng nên nó có thể khiến bé bị nổi ban ở vùng da khô như cằm hoặc quanh miệng.
Bị ho, nổi cục ở lợi: Nước dãi chảy ra có khả năng khiến bé bị nghẹn, gây ho, nổi cục ở lợi.
Bé thích cắn: Khi một chiếc răng chuẩn bị chồi lên khỏi lợi, điều đó khiến bé vô cùng bứt rứt, vì thế bé sẽ tìm cách giảm sự khó chịu thông qua việc cắn.
Bị đau: Khi bị sưng lợi, bé sẽ quấy khóc do đau. Thông thường, chiếc răng đầu tiên mọc lên sẽ khiến bé bị đau nhất.
Dễ cáu kỉnh và bú ít: Cơn đau răng và đau lợi là nguyên nhân làm bé mệt mỏi, quấy khóc và bú ít.
Bị tiêu chảy, sốt: Thời điểm xuất hiện chiếc răng đầu tiên cũng là thời điểm hệ miễn dịch ở bé thay đổi. Do vậy, những tác nhân gây sốt bên ngoài dễ xâm nhập vào cơ thể của bé. Nếu bé sốt cao và kéo dài, cha mẹ nên đưa bé đi đến cơ sở y tế ngay.
Ngủ không ngon: Cơn đau răng khiến bé khó chịu cả ngày nên bé sẽ không ngủ ngon giấc.
Các triệu chứng trên sẽ nhiều hơn khi trẻ mọc chiếc răng sữa đầu tiên. Ngoài ra, khi mọc răng, nướu của trẻ phải nứt ra dễ dẫn đến nhiễm trùng vùng răng miệng nếu không được vệ sinh cẩn thận. Sự khó chịu khi nứt lợi khiến bé quấy khóc nhiều hơn và sụt cân. Do đó cha mẹ cần chú ý vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ bằng gạc y tế và nước muối sinh lý.
Quay trở lại trường hợp của bé nhà em, mười tám tháng mà mới chỉ mọc được 4 răng hàm trên và 4 răng hàm dưới là rất trễ so với thời gian trung bình. Trung bình, 18 tháng bé sẽ mọc được từ 12 đến 14 răng. Các bé thường kết thúc việc mọc răng sữa khi được 24 tháng.
Bé chậm mọc răng có thể do thiếu chất. Cũng có thể do mầm răng bị nghiêng, lệch. Hoặc thậm chí là bé bị thiếu hẳn mầm răng.
Em nên cho bé đi khám nha sĩ nhé. Bác sỹ qua thăm khám trực tiếp sẽ tìm ra được nguyên nhân về sự chậm trễ này. Từ đó sẽ tư vấn cho em hướng khắc phục, điều trị hợp lý.
Chúc bé nhà em luôn có một chất lượng sức khỏe răng miệng thật tốt.
Thân chào em,