Quá trình mang thai và sinh nở luôn xảy ra sự thay đổi nhất định cho vùng kín của phụ nữ. Do đó, việc chăm sóc vùng kín sau sinh rất quan trọng với các sản phụ. Dưới đây là một số hướng dẫn giúp sản phụ chăm sóc vùng kín sau sinh.

Sản dịch

Sản dịch là dịch tử cung và đường sinh dục chảy ra ngoài trong những ngày đầu tiên sau sinh. Dù bà bầu có đẻ thường hay đẻ mổ thì vẫn có một lượng sản dịch nhất định tiết ra ngoài âm đạo. Trong 3 ngày đầu, sản dịch gồm máu loãng và máu cục nhỏ nên có màu đỏ sẫm. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8, sản dịch có màu lờ lờ máu cá.

Do đó, chị em cần lót băng vệ sinh để thấm sản dịch và thay đều đặn 3 – 4 lần trong ngày, đồng thời rửa âm hộ sau mỗi lần thay băng, tránh chà xát mạnh lên vết khâu tầng sinh môn (nếu có). Nếu sản dịch ra nhiều, sản phụ nên vệ sinh nhiều lần hơn.

Vệ sinh âm đạo, âm hộ

Để hạn chế nhiễm trùng âm đạo, sản phụ cần vệ sinh sạch sẽ mỗi lần đi tiểu tiện , đại tiện. Nên sử dụng nước ấm để vệ sinh. Sản phụ dùng vòi hoa sen hoặc dội nước từ từ, lau rửa sạch từ trước ra sau (tránh làm ngược lại vì sẽ mang chất bẩn từ phía hậu môn vào vết thương, dễ gây nhiễm trùng, sau đó lau khô lại bằng khăn mềm và sạch).

Lưu ý các động tác cần phải làm một cách nhẹ nhàng.

Các động tác vệ sinh cần thực hiện nhẹ nhàng - Ảnh minh họa: Internet

Không nên thụt rửa sâu bên trong nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cần lau sạch vùng đáy chậu, âm hộ khoảng 2 lần một ngày để giúp ngăn ngừa viêm nhiễm.

Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn

Đa số các sản phụ đẻ thường đều phải rạch tầng sinh môn. Vết rạch thường dài khoảng từ 3 đến 5cm và khâu bằng chỉ tự tiêu. Đây là vết thương hở, do vậy sản phụ cần phải giữ sạch sẽ và khô ráo để tránh nhiễm trùng.

Nếu sản phụ còn ở tại bệnh viện, họ sẽ được điều dưỡng giúp bằng cách rửa sạch vùng kín với nước đun sôi pha cồn diệt khuẩn và bôi thêm dung dịch sát khuẩn để nhanh liền sẹo. Còn khi về nhà, sản phụ cần vệ sinh vùng kín theo cách ở trên và mặc đồ lót thoáng sạch để tránh nấm ngứa.

Vết rạch tầng sinh môn cần được chăm sóc cẩn thận - Ảnh minh họa: Internet

Lưu ý sản phụ không nên ngâm mình trong bồn tắm hoặc xối mạnh nước vào vùng kín vì như vậy sẽ làm vết mổ bị ướt. Không nên đắp lá trầu không lên vùng kín.

Sản phụ cần luôn quan sát tình trạng vết khâu. Nếu vết khâu sưng đỏ, chảy máu, có dịch hoặc hở vết khâu thì rất có thể vết khâu đã bị nhiễm trùng.

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng

Để giúp mẹ có đủ sữa nuôi con đồng thời giúp lành vết thương, sản phụ không nên ăn kiêng khem mà nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước để tránh táo bón.

Tránh quan hệ tình dục

Việc quan hệ tình dục quá sớm không chỉ khiến sản phụ đau đớn (do vùng âm đạo chưa lành) mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tử cung gây bệnh đường tình dục và nhiễm khuẩn sau sinh.

Nên tránh quan hệ tình dục quá sớm - Ảnh minh họa: Internet

Sản phụ nên tránh quan hệ tình dục sau khoảng 4 đến 6 tuần, đẻ mổ nên kiêng từ 6 đến 12 tuần.