Chăm con thế này, trẻ nghỉ Tết 10 ngày cũng không lo bị ốm
Trẻ bị ốm trong những ngày Tết là nỗi lo của không ít bậc phụ huynh. Một phần vì trẻ mải chơi nên “bất chấp thời tiết”; phần nữa vì ngày Tết cha mẹ thường bận rộn nên trong việc quản lý, chăm sóc con có phần lơ là.
Dù có bận rộn đến đâu đi chăng nữa, các mẹ cũng nên ghi nhớ những lưu ý dưới đây của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai để giữ gìn sức khỏe cho con trong những ngày Tết.
Cứ đến Tết lại lo lắng vì sợ con ốm
Hai năm nay, năm nào chị Khánh Linh (Hà Nội) cũng tất bật vừa chăm con ốm, lại quay cuồng với chuyện nhà cửa bếp núc vì khách khứa đông. Tết năm trước nữa thì bé Khánh An ho, sổ mũi nên chị không dám cho con đi đâu. Năm ngoái thì cháu lại bi tiêu chảy vì ngày Tết chị bận nên cũng không sát sao trong việc ăn uống của con.
“Sợ nhất mấy ngày Tết mà con ốm, không dám cho con đi đâu mà mình có đi đâu cũng phải tranh thủ chốc lát. Con bé lại khá hiếu động, năm nay dự báo Tết lạnh hơn, nên mình cũng rất lo lắng” – chị Linh chia sẻ.
Cùng chung nỗi lo với chị Linh, chị Trà My (Long Biên) cho biết vì nhà ngoại ở tận Nghệ An, nên khi về chúc Tết cả nhà thường ở đó hai ngày. Cả năm học hành, có mỗi dịp Tết là con thoải mái vui chơi nên bất chấp mưa, nắng hay gió rét con cũng chạy đi chơi cùng đám bạn cho bằng được. Con chơi mà an toàn, khỏe mạnh thì không sao, nhưng sau mỗi lần vậy là lại quay ra ốm, ho, sổ mũi.
Trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh khi nhiệt độ giảm trong những ngày Tết
Bàn về vấn để sức khỏe trẻ nhỏ ngày Tết, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Thời tiết lạnh trẻ con sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh, nếu bị nhiễm lạnh rất dễ gây nhiều bệnh. Một trong số bệnh quan trọng nhất là bệnh của hệ thống đường hô hấp, ví dụ nhiễm khuẩn hô hấp trên như: viêm mũi, viêm tai; viêm họng, hay bệnh viêm phế quản, viêm phổi…
Hoặc nếu bị nhiễm lạnh đột ngột thì các bệnh mãn tính sẽ bùng lên, ví dụ như các cháu bị hen. Khi trẻ đi chơi, ăn uống những đồ ăn bảo quản không được tốt, ăn phải những đồ ăn bị nhiễm bệnh, hay ăn các thức ăn đường phố không an toàn thì rất dễ bị tiêu chảy.
“Nếu trẻ bị nhẹ thì cha mẹ chăm sóc tại nhà. Ví dụ như viêm đường hô hấp trên: ho, sổ mũi. Thậm chí sốt chúng ta vẫn có thể chữa ở nhà được với điều kiện là các em bé tỉnh táo. Sau khi hết sốt thì trẻ lại chơi thoải mái, không khó thở, không có triệu chứng gì của bệnh nặng thì chúng ta có thể theo dõi chăm sóc tại nhà được, không cần phải đến viện.
Kể cả đối với các cháu sau khi ăn uống xong mà bị tiêu chảy thông thường thì có thể uống oresol tại nhà được không nhất thiết phải vào viện. Còn trong trường hợp mà nặng ví dụ như có khó thở, sốt cao quá gây co giật hoặc tiêu chảy nặng quá gây mất nước thì nên đưa ngay trẻ vào viện” – Ông Dũng chia sẻ.
Cần giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài
Các con thường theo bố mẹ đi chúc Tết, vì thế mà khi ra ngoài cần phải giữ ấm cho trẻ, lựa chọn các phương tiện giao thông hợp lý.
“Nếu cho các cháu đi xa thì phải có phương tiện giữ ấm. Theo tôi thì nếu đi ô tô thì được chứ nếu đi xe máy thì ngoài trời lạnh, nếu chúng ta đi xa quá, đi đến những vùng gió nhiều, mà con còn quá nhỏ thì không nên cho đi".
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên để ý đến chế độ dinh dưỡng của con trong những ngày Tết. Vì Tết các gia đình thường làm nhiều thức ăn, nếu còn dư lại các bố mẹ thường bảo quản trong tủ lạnh.
“Tôi khuyến cáo là các cháu nhỏ không nên ăn những thức ăn còn dư mà ăn thức ăn nóng, chế biến bữa nào ăn bữa đó. Bởi vì đường tiêu hóa của các cháu nhỏ còn yếu không như người lớn. Nếu các cháu nhỏ mà cho thức ăn vào tủ lạnh bữa sau lại hâm lại thì các cháu rất dễ bị tiêu chảy. Và không nên cho trẻ ăn quá nhiều lần, ví dụ đến nhà nào cũng ăn, một ngày ăn nhiều thứ thì hệ tiêu hóa sẽ quá tải thì sẽ gây ngộ độc, phải quản lý về mặt số lượng và chất lượng tránh trường hợp tiêu chảy”.
Ngoài ra, bác sĩ Dũng cũng hướng dẫn các mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách. Đối với trẻ sơ sinh quan trọng là phòng phải ấm, phòng không ấm có mặc bao nhiêu quần áo cũng không được. Tuy nhiên mặc quần áo nhiều lớp quá thì lại bí, trẻ nóng quá sẽ ra mồ hôi chỉ một lúc sau sẽ thấm vào quần áo, sau đó thấm ngược lại đứa bé, nóng lạnh đột ngột rất dễ dẫn đến ốm. Đặc biệt với trẻ sơ sinh khi thời tiết lạnh, nhất là dưới 10 độ C thì cần hạn chế không nên cho trẻ ra ngoài.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...