Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao trường hợp nữ sinh 12 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội nghi bị xâm hại dẫn tới mang thai và hạ sinh 1 bé trai. Hiện, cơ quan chức năng đang giám định ADN xác định cha của đứa trẻ.

Hoàn cảnh của nữ sinh rất đặc biệt. Năm 1 tuổi, mẹ bỏ nhà đi, bé ở với cha. Hằng ngày, người cha bận bịu đi làm nên ít quan tâm tới con gái. Thấy con bụng ngày càng lớn, cha bé cho rằng con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Em gái anh đã thử thai giúp rồi cho biết bé đã mang thai và không thể huỷ thai.

Cộng đồng căm phẫn kẻ xâm hại đứa trẻ đồng thời xót xa hoàn cảnh của bé khi không có mẹ ở bên, cha thì bận mưu sinh.

Việc chia quyền nuôi con gái nhạy cảm hơn. Ảnh: Freepik
 

Từ câu chuyện đau lòng trên, chị Thu Hằng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bỗng thấy mình may mắn. Chị Hằng kết hôn được 10 năm, có chung cô con gái 11 tuổi. Vợ chồng chị đã ly thân 3 năm. Họ nhiều lần gửi đơn lên toà nhưng chưa ly hôn được vì tranh chấp quyền nuôi con.

3 năm trước, chị Hằng phát hiện chồng ngoại tình và chủ động ly thân. Họ đã làm đơn ly hôn nhưng bàn tới nội dung ai nuôi con thì... tắc. Anh Thiệu - chồng chị Hằng cho rằng con gái phải do anh nuôi, bởi nếu mẹ có gia đình mới, con gái không thể sống chung với cha dượng. Điều kiện kinh tế của anh cũng tốt hơn vợ.

Chị Hằng có lý lẽ riêng của mình, câu chuyện của bé V.A tại TPHCM vài năm trước bị " dì ghẻ" bạo hành và qua đời khiến chị bất an khi người phụ mới của anh sống với con.

“Vài lần tôi mang đơn lên tòa nộp. Người hướng dẫn yêu cầu chuyển từ đơn thuận tình sang đơn khởi kiện tranh chấp nuôi con. Con bé nhạy cảm lắm. Chúng biết ba mẹ không còn yêu nhau nên rất buồn. Nếu ra tòa, con phải đứng giữa chọn mẹ và cha. Không muốn nhìn ảnh đó nên tôi cứ ngó lơ việc ly hôn”, Hằng tâm sự.

Anh Thiệu đã có người mới và họ sống chung không đăng ký kết hôn, hằng tuần anh vẫn về nhà cũ ở với con gái 2 -3 ngày. Anh chị chấp nhận phương cách này vì con vẫn được chăm sóc bởi cả bố và mẹ. Nhiều bạn bè khuyên vợ chồng không còn tình yêu, tin tưởng nên giải thoát cho nhau, tuy nhiên, họ đều có nỗi niềm khó nói và đều mong ngày con lớn khôn mới... tính tiếp.

Anh Lê Trường (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cũng đau đầu tìm bài toán con gái sống thế nào sau khi cha mẹ ly hôn. Cách đây 7 năm, anh Trường ly hôn, bé gái lúc ấy mới 8 tuổi được toà ưu tiên giao cho ở với mẹ.

Cách đây 1 năm, vợ cũ tái hôn, anh Trường cũng đã có gia đình mới, nhưng lo con ở với dượng sẽ không tốt nên anh bàn với người cũ và người mới việc đón con về nhà mình. Ban đầu vợ mới của anh không đồng ý và giận dỗi bỏ về nhà ngoại 1 tháng, nhưng rồi dần dà chị cũng hiểu nguyện vọng của chồng. Con gái vào cấp III và sống cạnh mình, thì anh Trường yên tâm hơn hơn để con gái sống cùng cha dượng.

Theo tiến sĩ bác sĩ Phan Chí Thành - Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) - trường hợp trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn không hiếm gặp. Bác sĩ Thành đã từng tiếp nhận tư vấn khá nhiều trường hợp như vậy. Trong số đó, có trẻ bị xâm hại dẫn tới mang thai.

Bác sĩ Thành cho rằng, tỷ lệ những đứa trẻ này ở gia đình cha mẹ đơn thân (cha mẹ ly hôn) cao hơn gia đình đầy đủ cha mẹ. Mẹ hoặc cha mải mê lo kiếm tiền, ít có thời gian quan tâm tới con cũng là một điều kiện dẫn tới việc trẻ bị xâm hại. Đối tượng xâm hại có thể người quen, bạn học… Thậm chí, dư luận nhiều lần dậy sóng về các vụ việc cha dượng, mẹ kế bạo hành, xâm hại trẻ...

Về mặt xã hội, ông Thành cho rằng, việc ly hôn giúp 2 người lớn tự do nhưng làm tan vỡ đi mối quan hệ gia đình và người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là con cái. Cha mẹ nên cân nhắc thật kỹ việc con ở với ai sẽ tốt, để giảm thiểu thiệt thòi cho đứa trẻ. Phân chia các khoảng thời gian “an toàn” theo độ tuổi để con sống với mẹ hoặc cha như gia đình anh Trường ở Nha Trang cũng là lựa chọn tốt.

Quan trọng hơn cả, mọi đứa trẻ cần được giáo dục giới tính để biết tự bảo vệ mình, như việc ý thức về vùng nhạy cảm, không cho người khác chạm vào, không tiếp xúc với người lạ khi không có cha mẹ bên cạnh...