Tháng thứ 7 có thể gọi là thời kỳ chuyển tiếp khi mà bé yêu của bạn có nhiều thay đổi, đây sẽ là khoảng thời gian thú vị cho cả hai mẹ con khi mẹ đồng hành cùng con khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn.

Khi được 7 tháng tuổi, sự phát triển về thể chất của bé cũng được thấy rõ. Bé tăng trưởng cả về chiều cao lẫn cân nặng.

Ở giai đoạn này, cân nặng và chiều cao trung bình của bé trai lần lượt là 7,4 - 9,2 kg và 67- 71 cm, còn bé gái thì nặng 6,8 - 8,6 kg và cao 65 - 69 cm. Khác với 6 tháng đầu đời, từ tháng thứ 7 này, tốc độ tăng trưởng của bé sẽ chậm hơn, chỉ còn 0,4 - 0,7 kg mỗi tháng.

Bé 7 tháng tuổi biết làm gì? Đây là giai đoạn chứng kiến nhiều sự thay đổi của bé - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài sự phát triển về thể chất, mẹ có thể nhận thấy con có những phát triển vượt bậc trong các kỹ năng vận động, giao tiếp và thể hiện cảm xúc của mình.

Kỹ năng vận động của trẻ 7 tháng tuổi

Bé 7 tháng tuổi biết làm gì trước hết thể hiện ở kỹ năng vận động. Khi được 7 tháng tuổi bé đã trở nên cứng cáp hơn và có thể thực hiện một số vận động cơ bản.

Tập ngồi một mình không cần đỡ: Bước vào tháng thứ 7, bé nhà bạn có thể tự ngồi một mình mà không cần ai đỡ, tuy nhiên mẹ vẫn luôn cần ở bên để theo dõi bảo đảm an toàn.

Sẵn sàng tập bò: Khả năng di chuyển của bé cũng đang phát triển, theo đó mỗi bé có một cách di chuyển khác nhau, có bé thì bò bằng 2 tay 2 chân, bé thì trườn, bé thì lăn, bé thì ngồi lết… 

Tập đứng: Một số bé 7 tháng tuổi biết đứng khi có khả năng vịn vào vật gì đó để đứng lên một cách từ từ và chậm rãi. Bé có thể đứng vững khi được bố mẹ giữ nên mẹ dành thời gian luyện tập kỹ năng này để giúp tăng cường cơ bắp chân, đồng thời cho bé tập quen dần với việc đi đứng.

Bé 7 tháng tuổi có thể tự thực hiện một số kỹ năng vận động mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của ba mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Phát triển kỹ năng cầm, nắm đồ vật: Đến tháng thứ 7, bé đã có thể sử dụng các ngón tay linh hoạt hơn. Bé biết kết hợp giữa ngón cái và ngón trỏ, nhặt các vật nhỏ từ dưới đất lên. Mẹ hãy tìm mua cho con các đồ chơi như lục lạc, xếp hình để bé phát triển kỹ năng cầm nắm.  Bên cạnh đó, bé 7 tháng biết vỗ tay nếu như mẹ dành thời gian chỉ dạy và luyện tập với con.

Nhiều phụ huynh khi thấy con mình 7 tháng tuổi chưa biết bò thì hoặc chưa biết ngồi thì lo lắng con mình bị chậm vận động. Tuy nhiên theo các bác sĩ, bò và ngồi là kỹ năng của trẻ từ 7 đến 9 tháng tuổi, vì vậy nếu con bạn 7 tháng tuổi nhưng chưa tự thực hiện được một số hành động thì không phải là điều bất thường. Bố mẹ cần quan sát thêm một thời gian và tập trườn thường xuyên cho bé để lưng con cứng cáp hơn.

Bé 7 tháng tuổi phát triển trong kỹ năng giao tiếp

Bé 7 tháng tuổi biết làm gì? Liệu bé có hiểu và biết cách giao tiếp với người khác? Thực ra ở độ tuổi này bé có thể biết mọi thứ đấy mẹ ạ.

Mặc dù chưa biết nói nhưng khả năng giao tiếp của bé khá tốt bằng cách riêng của mình thông qua một loạt các biểu cảm khuôn mặt như: Cười thật lớn, cười khe khẽ, nhăn mặt cau mày hay khóc cùng với “ngôn ngữ” của cơ thể càng thể hiện rõ hơn những mong muốn của bé.

Khi nghe bố hoặc mẹ gọi tên bé sẽ quay đầu về phía đó và đưa tay đòi bế, biết khóc và lo sợ khi gặp người lạ, biết lắc đầu khi không thích điều gì, vui cười hớn hở khi có đồ chơi mới…

Về mặt ngôn ngữ, bé 7 tháng biết nói những âm thanh đơn giản như bà, cha, ba, da da... nếu được bố mẹ hướng dẫn và chỉ dạy thường xuyên.

Bé 7 tháng tuổi có thể tự thể hiểu và giao tiếp với người lớn nhiều hơn - Ảnh minh họa: Internet

Khả năng học hỏi của bé 7 tháng tuổi

Mặc dù còn khá nhỏ nhưng bé đã có thể học hỏi rất nhanh những điều đơn giản mà bố mẹ dạy chẳng hạn như vỗ tay, mi gió, làm duyên, cụng đầu… Cũng như bắt chước các ngữ điệu của người lớn.

Trí nhớ của trẻ 7 tháng tuổi đã phát triển đáng kể, bé đã có thể ghi nhớ hình ảnh, âm thanh một cách chính xác và lâu hơn. Chỉ vài tháng trước, khi bạn giấu một vật thể hoặc giấu mặt đi trong trò chơi ú òa, bé nghĩ rằng chúng đã ra đi mãi mãi. Bây giờ, bé nhận ra người và các đối tượng còn tồn tại mãi mãi ngay cả khi họ không có mặt.

Vì vậy, mẹ cũng đừng cảm thấy phiền khi ở giai đoạn này bé có xu hướng "bám" mẹ hơn. Bé sẽ thích thú khi được chơi đùa cùng mẹ, được mẹ vỗ về âu yếm và lo sợ khi phải tiếp xúc với người lạ.

Bé 7 tháng tuổi sẽ có xu hướng "bám" mẹ hơn do sợ tiếp xúc với người lạ - Ảnh minh họa: Internet

Cẩm nang chăm sóc bé 7 tháng tuổi

Chế độ ăn uống

Bé 7 tháng tuổi đã ăn dặm khá tốt nên bạn có thể chuyển từ việc xay nhuyễn thức ăn sang dạng đặc để bé có thể điều chỉnh khả năng nhai của mình.

Các thực phẩm thích hợp cho bé tập ăn dặm như thịt nạc, lòng đỏ trứng, cá, các loại rau củ, hoa quả,…
Việc bú sữa mẹ vẫn cần được duy trì nhưng cùng với sự phát triển của bé, sữa mẹ đang dần không còn đáp ứng đủ năng lượng và chất dinh dưỡng nữa nên bạn phải xây dựng một thực đơn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể bé.

Mẹ hãy tập cho con kỹ năng nhai bằng cách chuyển dần sang chế độ ăn đặc - Ảnh minh họa: Internet

Chăm sóc sức khoẻ

Do bé khá hiếu động, luôn bò khắp nhà để khám phá thế giới xung quanh, vì thế mẹ cần phải vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi thường xuyên, đồng thời mang những vật nhọn, sắc, bình nước nóng….ra khỏi tầm với của bé.

Dù bé đã cứng cáp hơn rất nhiều nhưng hệ miễn dịch của con vẫn còn non yếu vì vậy mẹ cần phải giữ vệ sinh thân thể, đặc biệt là vào những ngày hè nóng bức và thời điểm chuyển mùa. Tránh xa các nguồn lây bệnh và tiêm ngừa theo lịch là cách giúp con phòng tránh bệnh tật.

Hầu hết trẻ sẽ mọc răng trong giai đoạn 7 tháng tuổi, lúc này bé sẽ cảm thấy khó chịu và sốt. Nhiều trường hợp bé sẽ sụt cân do mọc răng. Mẹ cần chăm bé kỹ hơn, gần gũi với con hơn để con giảm bớt khó chịu khi mọc răng.

Chơi đùa với con

Bên cạnh đó nên cho trẻ chơi các trò chơi khuyến khích trí não phát triển như khả năng nhận biết đồ vật, khả năng tư duy… Bạn nên thường xuyên chơi với trẻ các trò như tìm đồ vật, con vật, xếp đồ chơi theo kích cỡ, màu sắc… Điều này không chỉ giúp trẻ tăng khả năng nói mà còn giúp làm khăng khít hơn mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và trẻ.

Phụ huynh hãy dành thời gian để cùng con rèn luyện và phát triển các kỹ năng vận động, giao tiếp - Ảnh minh họa: Internet

Hãy dành thời gian cùng con luyện tập kỹ năng vỗ tay, mi gió, chớp mắt... chỉ một thời gian ngắn là bé có thể bắt chước và làm thành thục những kỹ năng này.

Giai đoạn này mẹ cũng nên cho bé nghe nhạc thường xuyên, nhũng giai điệu vui tươi, sôi động sẽ khiến bé phấn khích và nhún nhảy theo điệu nhạc mà mình yêu thích.

Bé 7 tháng tuổi biết làm những gì còn tuỳ thuộc vào mỗi bé, bởi mỗi bé có sự phát triển khác nhau. Bố mẹ sẽ vô cùng hạnh phúc và thích thú khi thấy con trưởng thành và thay đổi mỗi ngày, hãy cùng dõi theo và đồng hành với từng bước tiến của con.