Cây xoài độc đáo được Haji Kalimullah Khan ghép từ hơn 300 giống xoài khác nhau gây chú ý với du khách. Theo Atlasobscura, nó được trồng trong vườn ươm gần Lucknow (Uttar Pradesh, Ấn Độ), tán cây đủ lớn để che mát cho khoảng 15 người ngồi dã ngoại. Trên các cành trĩu quả, hàng chục trái mang màu sắc, hình dạng khác nhau do cấy ghép. Thậm chí, lá của nó cũng không giống nhau. Trên một cành, một số lá có màu xanh xám, xen kẽ xanh ô liu... Vì thế, nhiều người gọi nó là "cây xoài thần kỳ". Còn Haji Kalimullah Khan, chủ "cây xoài thần kỳ", được truyền thông mệnh danh "Mango man" (tạm dịch: Người đàn ông xoài), là một nhà trồng trọt và nhân giống trái cây nổi tiếng ở Ấn Độ, đặc biệt là nhân giống, cấy ghép xoài.

'Mango man' bên cây xoài trĩu quả, ghép từ nhiều giống khác nhau.

 Ông Kalimullah Khan cho biết ý tưởng ghép xoài xuất phát từ khi ông nhìn thấy bụi hoa hồng lai trong vườn một người bạn cách đây nhiều năm. Ông tự hỏi liệu một cây ăn quả có thể cho nhiều loại trái cây khác nhau không. Từ đó, Khan nảy ra ý định nghiên cứu, cấy ghép xoài.

Năm 17 tuổi, ông cấy ghép thành công bảy giống xoài trên một cây nhưng cây bị chết sau một trận lũ lụt. Không bỏ cuộc, Khan tiếp tục phát triển, cải tiến kỹ thuật cấy ghép. Tới năm 1987, ông bắt đầu ghép nhiều giống xoài khác nhau lên một cây xoài 100 năm tuổi trong vườn nhà. Các giống xoài được ông thu thập từ khắp mọi miền đất nước. Tới nay, ước tính hơn 300 giống xoài đã được ghép vào cây xoài này, tạo nên sự khác biệt. Ông đặt tên cho nó là Al Muquaraar.

"Đây không chỉ là một cái cây, mà là cả một vườn cây ăn trái, một vũ trụ", Kalimullah Khan nói.

Ba giống xoài khác nhau trên cây Al Muquaraar. Xoài Tommy Atkins (trái) phổ biến ở Florida (Mỹ), xoài Suvarnarekha (giữa) và xoài Husn-e-Ara.

Hình dạng của các quả xoài trên mỗi cành rất đa dạng như: hình tròn, hình bầu dục, hình quả thận... Khi chín, chúng lại càng đặc biệt hơn bởi có quả màu xanh, một số quả màu vàng, cam, hồng và tím. Mỗi loại được xác định bằng một nhãn nhỏ dán trên cuống như: xoài Dasheri từ một ngôi làng gần đó, xoài Himsagar từ Tây Bengal, xoài Langra từ Bihar, hay xoài Alphonso có màu nghệ tây...

Trang trại của ông rộng hơn 10.000 ha, trồng xoài và nhiều loại cây ăn quả khác. Hiện cây xoài này là một trong những điểm du lịch hút khách ở địa phương. Cứ tới mùa, cha con ông Khan thu hoạch xoài xuất khẩu, nhưng họ tặng miễn phí quả của "cây xoài thần kỳ" cho du khách đến xem.