Rạn da và rụng tóc là tình trạng thường gặp của những bà mẹ sau sinh. Ảnh: CTV News.

Loay hoay dưới sàn nhà, chị Phạm Thanh Lan (29 tuổi, TP.HCM) vơ vội vài đường, trên tay đã có một nhúm tóc đen dài. Cầm nó, lại soi mình trước gương, chị Lan thở dài vì mái tóc ngày càng xơ xác.

Đã 4 năm từ khi sinh đứa con đầu lòng, những lúc nhìn vào mớ tóc rụng, làn da sạm và những vết rạn vẫn còn đó, chị khó dấu đi nỗi buồn trên khuôn mặt. Nhưng chị Lan luôn tự xoa dịu rằng đây là minh chứng cho sự ra đời của một thiên thần bé bỏng, đó là món quà lớn nhất đời chị.

Lúc vừa sinh xong, sữa mẹ ít mà hoàn cảnh không dư dả, nên tất cả kinh tế và sức lực của cả nhà đều dồn cho con. Vừa sinh được một tháng, chị Lan vội vã ra bán hàng, không màng kiêng cử hay phục hồi chức năng nên bây giờ mỗi lần thời tiết thay đổi, lưng chị lại đau buốt.

Cả cơ thể mẹ thay đổi vì con

Sau sinh 6 tuần là giai đoạn hậu sản quan trọng đối với sức khỏe người mẹ. Giai đoạn này được tính từ lúc vừa sinh em bé đến 6 tuần sau. Lúc này, các cơ quan của người phụ nữ dần trở lại bình thường giống như trước khi mang thai.

TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 2), cho biết trong thời gian mang thai 9 tháng 10 ngày, cơ thể của người phụ nữ sẽ thay đổi rất nhiều, cả về mặt sinh lý và cấu trúc giải phẫu. Khi mang thai, hệ miễn dịch là nơi thay đổi đầu tiên.

 

Nhúm tóc rụng mỗi ngày của chị Lan. Ảnh: NVCC.

Đối với cơ thể người mẹ, phôi thai là vật lạ. Nó mang cấu trúc di truyền 50% từ mẹ và 50% từ bố. Như vậy, cơ thể người mẹ phải tiếp nhận 50% vật lạ vào người. Theo quy luật tự nhiên, khi có vật lạ, cơ thể của người phụ nữ sẽ có phản ứng đào thải.

Tuy nhiên, lúc mang thai, cơ thể của người phụ nữ sẽ thay đổi hệ miễn dịch, để chúng hiểu rằng phôi thai "tuy lạ mà quen". Nó cho phép phôi thai tiếp tục bám vào tử cung, không đào thải ra khỏi cơ thể. Sự thay đổi này phù hợp để giúp giữ thai.

Sau đó, thai lớn và phát triển lên sẽ cần máu, dinh dưỡng để nuôi em bé. Lúc này, cơ thể người mẹ phải thích ứng, lượng máu và dinh dưỡng đều phải tăng lên. Các mạch máu của cơ thể mẹ phải giãn ra để tăng cường được máu và nhịp tim của người mẹ phải nhanh hơn, giúp đẩy máu đến nuôi em bé và nhận chất đào thải.

"Từ những thay đổi đó, người mẹ có những triệu chứng hành như nghén, đau nhức, khó chịu", bác sĩ Trung nói với Tri Thức - Znews.

Ở những tháng cuối thai kỳ, do sự thay đổi về nội tiết tố, người mẹ sẽ có những thay đổi như dễ bị huyết áp cao, tiểu đường, tuyến giáp... đây là những thay đổi liên quan đến bệnh lý nội khoa trong thai kỳ.

 

50-90% phụ nữ có thai xuất hiện rạn da trong thai kỳ. Ảnh: Ensonhaber.

Đồng thời, tâm lý của người mẹ cũng thay đổi rất nhiều trong thai kỳ, có những thay đổi rớn khiến người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Người phụ nữ trong gian đoạn này rất nhạy cảm, có người thấy hưng phấn, thích thú, cũng có người thấy lo lắng, trầm cảm.

Khi bước vào giai đoạn hậu sản, các cơ quan trên cơ thể mẹ sẽ dần trở về bình thường. Tuy nhiên, sự bình thường này không thể đạt được 100%, như trước khi có con. Đặc biệt, màu da, tóc, thể trạng và cơ quan sinh dục không thể trở lại bình thường như trước.

Theo bác sĩ Trung, phụ nữ cho con bú trong giai đoạn hậu sản 6 tuần, cơ quan sinh dục sẽ thu hồi lại nhanh hơn so với những phụ nữ không cho con bú.

"Phụ nữ sau sinh dễ bị béo phì, rung tóc, sạm da hoặc có vết rạn. Để trở lại giống như trước khi mang thai, họ phải mất nhiều thời gian để tập luyện, chăm sóc", bác sĩ Trung cho hay.

Người mẹ cần được quan tâm hơn

Chia sẻ thêm với Tri Thức - Znews về việc tập luyện phục hồi chức năng cho phụ nữ sau sinh, bác sĩ Trịnh Quang Anh, khoa Sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho hay quan điểm của xã hội từ xưa đến nay, sau khi thai phụ sinh xong, mọi sự quan tâm đều dồn vào em bé, người mẹ ít khi được chú ý đến. Ngay cả việc mẹ ăn gì, ăn nhiều hay ít đều có mục đích là cho em bé đủ chất. Đôi khi, bà mẹ bị bỏ quên.

Khi sinh nở, thai phụ đối mặt với rất nhiều biến chứng. Chẳng hạn trong 3 tháng cuối, thai rất nặng, khung chậu của người mẹ phải xoay về phía trước, bẻ cong cột sống. Nhiều người đau không chịu nổi, căng tức và mỏi.

Sau khi sinh xong, khung chậu của họ không thể xoay về như bình thường. Do đó, cơn đau sẽ hành hạ người mẹ lâu dài, bệnh cột sống tiếp tục tiến triển.

 
Việc phục hồi chức năng sau sinh rất quan trọng với phụ nữ sau sinh. Ảnh: Gleneagles.

Thêm nữa, trong giai đoạn hậu sản, người mẹ sinh thường có thể tổn thương đường niệu đạo, sa tử cung, tiểu són, xổ bụng, toát xương mu, toát khớp cùng chậu. Những người sinh mổ có thể bị sẹo mổ tử cung, khuyết sẹo gây vô sinh thứ phát.

"Trước những biến chứng này, người mẹ cần được phục hồi chức năng sau sinh", bác sĩ Quang Anh chia sẻ.

Theo bác sĩ Quang Anh, với nhiều biến chứng, muốn phục hồi, người mẹ cần tập luyện, có biến chứng phải dùng đến máy móc. Chẳng hạn, biến chứng toát khớp mu, khớp cùng chậu mà chưa có chỉ định phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng máy móc điều trị kết hợp với giảm đau, kháng viêm.

Phục hồi chức năng cho sản phụ sau sinh sẽ giải quyết những vấn đề cơ bản như tăng cường cơ thành bụng tránh bị đờ tử cung, thoát lưng khung chậu để không đau, tăng cường cơ sàn chậu để giảm sa tử cung và âm đạo.

Ngoài ra, hiện nay, thị trường còn nhiều dịch vụ phục hồi chức năng sau sinh khác như thu hẹp âm đạo, tăng cơ âm đạo, giải quyết tình trạng bí tiểu sau sinh, kiểm soát đại tiện không tự chủ... Thời gian tập phục hồi chức năng cơ bản sẽ diễn ra trong một tuần đến một tháng, phụ thuộc vào nhu cầu của sản phụ. Thời gian này có thể kéo dài hơn tùy vào tình trạng thực tế của người bệnh.

Tin liên quan