BS. Trần Văn Kiên - Khoa Nam học và Y học Giới tính, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 32 tuổi tới khám với lý do đau tức âm ỉ tinh hoàn 2 bên.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân thổ lộ: Bệnh nhân bị xuất tinh sớm, nghe bạn mách bôi kem đánh răng lên đầu "cậu nhỏ" khi quan hệ thì sẽ không bị xuất tinh sớm.

Nghe lời bạn, anh chàng về nhà thực hiện theo, lần lượt thoa kem đánh răng lên đầu dương vật và thêm một ít nhét sâu vào lỗ tiểu để giảm nhạy cảm được nhiều hơn.

Tuy nhiên, hôm đó quan hệ không những vẫn bị sớm mà anh còn cảm thấy đau nhức trong đường đi tiểu.

2 hôm sau thì thấy tinh hoàn phải sưng to, đau nhiều, kèm hơi sốt nhẹ, vội vã đến phòng khám tư gần nhà khám và được các bác sĩ chẩn đoán viêm mào tinh hoàn phải và viêm niệu đạo, đã được điều trị ổn định.

Tuy nhiên, tình trạng đau tức âm ỉ tinh hoàn phải vẫn kéo dài dai dẳng 8 tháng nay, thỉnh thoảng đau lan sang trái, xuống bẹn.

Bệnh nhân lo lắng nên tìm đến Khoa Nam học và Y học Giới tính khám.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy, bệnh nhân thân hình gầy guộc, suy nhược, sắc mặt trầm uất, lo lắng, cẳng thẳng.

Kiểm tra bộ phận sinh dục không phát hiện bất thường. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy kết quả nước tiểu, PCR các tác nhân vi khuẩn lây truyền đều bình thường, nồng độ testosterone hạ thấp.

Thầy thuốc Khoa Nam học chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng đau tinh hoàn mạn tính.

Các bác sĩ đã tiến hành điều trị cho bệnh nhân bằng liệu pháp bổ sung testosterone, kết hợp với các chuyên gia tâm bệnh, tư vấn tâm lý, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý.

Sau hơn 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã giảm triệu chứng đau 90%, sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân đã trở về bình thường.  

Ảnh minh họa.

Theo BS. Kiên, đau tinh hoàn mạn tính là tình trạng đau liên tục hoặc đau từng đợt, một bên hay hai bên tinh hoàn, tình trạng này kéo dài trên 3 tháng.

Bệnh tuy không không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại gây cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của người bệnh.

Phân tích các nguyên nhân dẫn tới đau tinh hoàn mạn tính, chuyên gia Nam học chỉ rõ các nguyên nhân thường gặp là: Viêm tinh hoàn -  mào tinh hoàn; Sau chấn thương tinh hoàn; Sau phẫu thuật thắt ống dẫn tinh; U tinh hoàn; Giãn tĩnh mạch tinh; Thoát vị bẹn; Tràn dịch màng tinh hoàn; Suy giảm nội tiết tố testosterone; Đau do kích thích thần kinh vùng bẹn bìu: Stress, rối loạn lo âu, rối loạn dạng cơ thể.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo đấng mày râu khi có bất kỳ vấn đề về nam khoa nào xảy ra với bản thân thì tuyệt đối không tự ý thử các biện pháp điều trị tại nhà.

Hãy đến gặp các bác sĩ Nam khoa tại các cơ sở y tế uy tín để được khám, đánh giá, chẩn đoán và có các phương án điều trị hợp lý.