Cấp cứu thai phụ 33 tuần bị viêm ruột thừa, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu mẹ bầu không nên bỏ qua
Sản phụ V.B.N. cấp cứu tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn trong tình trạng đau nửa bụng bên phải từ vài ngày trước và không có dấu hiệu thuyên giảm.
Tại bệnh viện, qua thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm bụng không phát hiện được ruột thừa viêm.
Các bác sĩ cấp cứu cùng bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa, Sản khoa hội chẩn tại Khoa Cấp Cứu quyết định tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) cho bệnh nhân.
Kết quả cho thấy chị N. bị viêm ruột thừa cấp và ruột thừa bị đẩy lên vùng bụng trên do thai to so với vị trí bình thường ở vùng bụng dưới. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi ổ bụng cấp cứu để cắt ruột thừa.
Quá trình phẫu thuật nội soi gặp phải một số khó khăn do bệnh nhân đang mang thai ở tuần 33. Lúc này, tử cung và thai nhi lớn khiến ổ bụng hẹp, ruột thừa và manh tràng bị đẩy lên cao. Các bác sĩ cho biết những trường hợp phẫu thuật này rất dễ gây sinh non.
Bác sĩ Nguyễn Quang Luật, người trực tiếp điều trị cho chị N., cho biết: “Thai phụ N. được phát hiện chính xác và cũng may mắn ruột thừa viêm chưa vỡ. Vì việc mổ trên thai phụ 33 tuần với ổ bụng đầy mủ sẽ có nhiều khó khăn, thậm chí không phẫu thuật nội soi được mà phải tiến hành phẫu thuật hở.
Ngoài ra, dịch mủ từ ruột thừa vỡ gây nhiễm trùng nặng, nguy hiểm cho người bệnh, dễ dính ruột, tắc ruột sau phẫu thuật, còn thai nhi dễ sinh non, sảy thai…".
Bác sĩ Nguyễn Phước Thuyết, Trưởng Khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, thông tin thêm: "Việc chụp cộng hưởng từ bụng (MRI) gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và em bé. Phương pháp này giúp chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa cấp trên bệnh nhân mang thai".
Về dấu hiệu viêm ruột thừa, các bác sĩ khuyên thai phụ khi có bất thường ở bụng hay đau bụng, tức bụng, nôn ói, sốt, đi tiêu lỏng… nên đến khám tại các bệnh viện vừa có chuyên khoa Sản và Ngoại Tiêu hóa nhằm phối hợp chẩn đoán và điều trị chính xác, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, những bệnh viện có trang bị chụp cộng hưởng từ bụng(MRI) thì việc chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa cấp ở bệnh nhân mang thai thuận lợi hơn, tránh sai sót trong việc phẫu thuật viêm ruột thừa ở sản phụ mang thai. Đồng thời giảm việc phẫu thuật không cần thiết.
Được biết hai ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân N. đã bình phục và làm thủ tục xuất viện.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.