Cô gái trẻ T.T.A.T. (SN 1996, trú tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết, trong 2 tháng cô sút 15kg vì không ăn uống được. Vốn có sức khoẻ bình thường, mỗi bữa ăn có thể ăn 2-3 bát cơm, nhưng 2 tháng nay cô bỗng bị nuốt vướng, nuốt nghẹn, ban đầu là nuốt khó khi ăn cơm, sau đó nghẹn cả lúc ăn cháo và uống nước kèm theo nôn.

Nghĩ mình mắc bệnh ung thư, cô gái đã lên Hà Nội khám và điều trị bằng nhiều loại thuốc nhưng không đỡ. Càng ngày cô càng không ăn uống được do cứ ăn vào lại nôn, lúc nào cũng cảm thấy ứ nghẹn, đau tức ở cổ họng, cơ thể suy kiệt nặng. Theo tâm sự của T., có lúc cổ họng khát khô, thèm một ngụm nước mà không thể uống, bởi cứ uống là lập tức nôn dữ dội. Sức khỏe kiệt quệ khiến cô rất khổ sở.

Bác sĩ Khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện 19-8 nội soi thực quản, dạ dày cho người bệnh.

Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cô gái được chẩn đoán mắc bệnh co thắt tâm vị. Cô được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi mở cơ thắt thực quản và dạ dày, kết hợp tạo van chống trào ngược. Sau mổ, bệnh nhân đã ăn uống lại được.

BSCKII Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cho biết, Khoa đã tiếp nhận một số trường hợp mắc căn bệnh co thắt tâm vị vào điều trị. Có trường hợp là nam thanh niên 23 tuổi ở Hà Nội mắc căn bệnh này nhiều năm và mang tâm lý ngần ngại không dám có người yêu. Gần đây, chàng trai này thấy bệnh ngày càng nặng, không ăn uống được, ăn vào là nôn mới tìm đến Bệnh viện 19-8.

“Vào đây sau khi thăm khám, được chẩn đoán bệnh co thắt tâm vị, nam bệnh nhân được chúng tôi tư vấn tâm lý nên đã ổn định hơn và yên tâm điều trị”, BS Việt Anh cho biết. Nam bệnh nhân được nong bóng 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 tuần, và ổn định ra viện. Theo BS Việt Anh, có trường hợp trong 1 gia đình có 2 anh em đều mắc căn bệnh này, khiến người bệnh rất khổ sở.

Bệnh co thắt tâm vị là một rối loạn thần kinh vận động của thực quản, nguyên nhân do cơ thắt dưới của thực quản không còn khả năng tự mở ra khi có phản xạ nuốt, vì vậy thức ăn và nước bọt được bài tiết trong khi ăn sẽ bị nghẽn ở thực quản rất khó hoặc không xuống được dạ dày. Bệnh có thể gây tử vong do thức ăn ứ đọng trong thực quản trào vào đường thở gây sặc. Bệnh thường xảy ra ở người trẻ tuổi (20-30 tuổi), tỷ lệ ít gặp 1/1.000.000 dân, nữ nhiều hơn nam, nên hay bị chẩn đoán nhầm.

Do cơ chế bệnh chưa rõ ràng nên việc điều trị căn bệnh này vẫn chưa thể khỏi dứt điểm. Tại Bệnh viện 19-8, các bác sĩ đã áp dụng nhiều phương pháp hiện đại trong chẩn đoán và điều trị căn bệnh này cho người bệnh. Bệnh viện có máy đo áp lực thực quản, sẽ phân ra các tuýp và dựa vào đó để đánh giá. Chẳng hạn, có bệnh nhân can thiệp qua nội soi nong bóng, có bệnh nhân nong bóng không hiệu quả. Trước đây, có phẫu thuật Heller cắt cơ dưới thực quản. Còn hiện nay, phẫu thuật cắt cơ thực quản qua nội soi và tạo van chống trào ngược, sau đó tạo một “đường hầm” trong cổ họng cho bệnh nhân ăn được.