Thời tiết thất thường có thể là một trong những yếu tố thuận lợi cho sự nhiễm siêu vi nói chung và các virus gây viêm cơ tim ở trẻ nói riêng.

Bệnh viêm cơ tim vẫn còn là một vấn đề khi các triệu chứng khởi đầu của bệnh rất mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác hoặc bị bỏ qua. Cuối cùng hậu quả của bệnh rất nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong.

Hình ảnh cơ tim bị viêm

Nhận biết trẻ viêm cơ tim

Phụ huynh có con nhỏ cần cảnh giác khi trẻ có các dấu hiệu sau:

Đối với trẻ lớn có triệu chứng hô hấp như: Sốt, ho, sổ mũi, khò khè. Hoặc triệu chứng về tiêu hoá như nôn, tiêu chảy...

Đối với trẻ nhỏ: Có khi chỉ đơn thuần là quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém... Đặc biệt, nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: Tím tái da, tay chân lạnh, thở mệt thì phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Bé 3 tuổi bị viêm cơ tim tối cấp được các bác sĩ cứu sống.

Một lưu ý, trong những ngày đầu khởi bệnh, trẻ có triệu chứng của nhiễm siêu vi đường hô hấp trên như: Sốt nhẹ, ho, sổ mũi… Sau 1 đến 2 ngày, trẻ có thể có triệu chứng khó thở, bứt rứt, quấy khóc, vã mồ hôi, tiểu ít, bị phù.

Đa số các trường hợp bệnh được các bác sĩ phát hiện và cho nhập viện khi có các triệu chứng rối loạn nhịp tim, suy tuần hoàn, trụy mạch… do giảm sức co bóp của cơ tim. Viêm cơ tim thể tối cấp ở trẻ em là một bệnh tim mạch có diễn tiến nặng, dễ dẫn đến tử vong.

Về điều trị viêm cơ tim

Hiện tại, bệnh lý này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, phụ huynh cần hạn chế trẻ dưới 24 tháng tuổi tiếp xúc với nhiều người lớn, trẻ lớn để tránh lây các loại virus. Khi thấy trẻ ăn uống bất thường, mệt bất thường, hay có những biểu hiện khác so với thường ngày, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Hiện viêm cơ tim do siêu vi gây ra, nên chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng đề điều trị kịp thời.

Herpes simplex virus gây viêm cơ tim.

Lời khuyên thầy thuốc

Một số trường hợp bệnh nhân có viêm cơ tim thoáng qua, không để lại di chứng. Nhưng có những trường hợp bệnh nhân vào viện với bệnh cảnh rất nặng, tiên lượng tử vong rất cao và có thể có bệnh cơ tim dãn nở, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim về sau.

Đây cũng chính là những biến chứng nặng nề cho trẻ, vì phải điều trị thuốc lâu dài nhưng tiên lượng hồi phục không cao.

Vì vậy, lời khuyên cho các phụ huynh là hãy theo dõi trẻ thật sát sao, khi trẻ có những triệu chứng nêu trên, phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế khám bệnh và theo dõi kịp thời.

Đối với những trẻ ở tuổi đi học: Nên hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hoá, nhằm tránh bị lây nhiễm siêu vi, đặc biệt là những siêu vi gây bệnh viêm cơ tim.

Các loại viêm cơ tim hay gặp

- Do thấp tim: Hay gặp ở người trẻ tuổi (5-20 tuổi) sau khi nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A ở họng, răng, miệng, ngoài da.

- Do bạch hầu: Xảy ra ở khoảng 20% người bệnh bị bạch hầu. Khi bị viêm cơ tim do bạch hầu, tỉ lệ tử vong rất cao (80 - 90%).

- Do bệnh Lyme: Thường xảy ra ở những tháng đầu hè với các đặc điểm: Ban đỏ ngoài da, sau vài tuần đến vài tháng xuất hiện các triệu chứng về thần kinh, khớp, tim...

- Bị bệnh Chagas: Bệnh thường gặp ở người trẻ dưới 20 tuổi. Sau giai đoạn viêm cơ tim cấp tính, khoảng 30% người bệnh chuyển sang mạn tính. Ngoài ra, còn do các tế bào khổng lồ, do tia xạ, dùng thuốc, virus, thai sản...