Suýt chết vì uốn ván

Chiều ngày 9/1, TS BS Hoàng Công Tình, trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình chia sẻ khoa vừa cấp cứu thêm 1 ca bị uốn ván.

Bệnh nhân là N.V.H (57 tuổi) quê ở Tân Lạc, Hoà Bình. Cách đây 1 tuần, ông H. giẫm phải vật nhọn ở ngoài đất nhưng chủ quan không tiêm uốn ván. 5 ngày sau, ông H. xuất hiện triệu chứng đau ở vết thương, sốt và bắt đầu co cứng cơ, cứng hàm.

TS Tình cho biết bệnh nhân nhập khoa trong tình trạng suy hô hấp, tím tái toàn thân, hai hàm răng cắn chặt, toàn thân gồng cứng và co giật liên tục.

Trường hợp bệnh nhân này do hai hàm răng cắn chặt nên bệnh nhân không thể thở được, không ho khạc được làm cho nước bọt, dịch hầu họng ứ đọng ở khoang miệng dẫn đến nguy cơ trào ngược vào phổi. 

Vết thương của ông H. khiến vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể - Ảnh BSCC 

Bệnh nhân gồng cứng (đặc biệt là cơ bụng), co giật liên tục nên dịch và thức ăn ở dạ dày rất dễ trào ngược vào phổi làm cho tình trạng suy hô hấp càng nặng nề hơn.

Bác sĩ Tình cho biết nếu không mở khí quản nhanh cho bệnh nhân để tạo đường thở qua cổ thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong do suy hô hấp hoặc do sặc thức ăn cũng rất lớn.

TS Tình cho biết ở bệnh nhân bị uốn ván, mở nội khí quản với bác sĩ vô cùng khó khăn. Thông thường, ống nội khí quản thường được đặt qua miệng hoặc mũi để đưa vào khí quản bệnh nhân giúp bệnh nhân dễ thở nhưng đặc điểm bệnh nhân uốn ván thì không thể há miệng để đặt được ống nội khí quản. Vậy nên phải mở khí quản mà không có ống nội khí quản. Điều này rất nguy hiểm do bệnh nhân có thể ngừng thở mà không hô hấp nhân tạo được vì không có ống nội khí quản.

TS Tình chia sẻ cách đây một tuần cũng có 1 bệnh nhân nữ bị cứng hàm không há được miệng; không thở, không nuốt, không ho khạc được; gồng cứng, xoắn vặn và co giật toàn thân. Các bác sĩ phải khai thông đường thở và nếu không thực hiện nhanh thì bệnh nhân sẽ ngừng thở, ngừng tim trong vài phút vì toàn thân đã tim tái.

Các bác sĩ đã cố gắng mở nội khí quản cho bệnh nhân. Đến nay qua việc cấp cứu nhiều ca uốn ván, TS Tình chia sẻ bác sĩ sẽ mất 5 phút mở đường thở cho những bệnh nhân này. Đây là cách giúp họ thở và “chiến đấu” với vi khuẩn uốn ván.

Uốn ván là bệnh gì?

TS Tình cho biết bệnh uốn ván (tetanus) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.

Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân. Dựa vào triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh ít có giá trị. Rất hiếm tìm thấy vi khuẩn uốn ván từ vị trí bị nhiễm khuẩn và thông thường cũng không phát hiện được sự đáp ứng kháng thể.

Ở những vùng nông nghiệp và những nơi phải tiếp xúc với chất thải của súc vật và không được tiêm phòng đầy đủ, người dân có nguy cơ mắc uốn ván cao hơn.

Các bác sĩ phải mở nội khí quản cho người bệnh - Ảnh BSCC

Thông thường, nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh.

Để phòng bệnh, TS Tình khuyến cáo cách duy nhất phòng bệnh uốn ván bằng tiêm vắc xin 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng, sau 10 năm tiêm nhắc lại 1 mũi. Người có vết thương cần được về sinh sạch, sát khuẩn, tránh để vết thương tạo đường hầm.