Tai nạn sinh hoạt thường trong cuộc sống hàng ngày như chảy máu cam, bỏng… Khi đó, nhiều người có thói quen áp dụng các biện pháp dân gian. Tuy nhiên có không ít cách sơ cứu sai lầm gây nguy hiểm hơn cho người gặp nạn.

Dưới đây là những cách sơ cứu sai lầm nhiều người vẫn thường thực hiện theo thói quen. 

Ngửa cổ ra sau để ngăn chảy máu cam

Một số người có thói quen ngửa đầu ra sau để cầm máu khi bị chảy máu cam. Tuy nhiên, làm như vậy chỉ khiến máy chảy ngược xuống cổ họng.

Thay vào đó, bạn hãy ngẩng đầu lên để làm giảm áp lực trong mạch máu mũi. Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp 2 lỗ mũi trong vòng 15 phút, đồng thời thở bằng miệng. Sau đó, nếu mũi vẫn tiếp tục chảy máu thì tiếp tục làm như trên trong khoảng 15 phút nữa.

Thông thường, hiện tượng chảy máu cam sẽ tự cầm, nếu quá 30 phút mà máu mũi vẫn không ngừng chảy, hoặc điều này xảy ra sau khi bị thương, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Không nên ngửa cổ ra sau khi bị chảy máu cam -  Ảnh minh họa: Internet

Xoa rượu để hạ sốt

Rượu bốc hơi nhanh khiến bạn cảm thấy như da mát hơn nên nhiều người dùng rượu để xoa vào da với mục đích hạ sốt. Tuy nhiên trên thực tế, rượu sẽ thấm vào da gây ngộ độc. Đồng thời, rượu cũng không làm giảm nhiệt từ bên trong.

Trong trường hợp này, nên để người bị sốt nằm nghỉ ngơi và theo dõi tại nơi thoáng mát. Cởi bớt quần áo để thoát nhiệt, lau mát người bằng nước ấm, đồng thời cho nạn nhân uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt.

Trường hợp sốt rất cao cần sử dụng biện pháp hạ nhiệt như trên để hạ sốt tạm thời và đưa nạn nhân đến khám tại cơ sở y tế.

Dùng tay lấy bụi khỏi mắt

Thói quen này chỉ khiến bụi càng dính sâu vào trong và làm rát vùng da quanh mắt. Nguy hiểm hơn, tay cũng là bộ phận chứa nhiều vi khuẩn nên có thể vô tình đưa thêm vi khuẩn vào mắt. Nếu bị bụi bay vào mắt, hãy rửa bằng nước muối sinh lý cho mắt đỡ cộm.

Rút que khỏi người nạn nhân

Đối với những trường hợp bị thương do que, cọc đâm, nhiều người thường ngay lập tức rút que ra để sơ cứu vết thương. Tuy nhiên đây là cách làm sai lầm. Bạn không được rút que, cọc ra khỏi người bị nạn vì làm vậy có thể làm tổn thương nặng hơn hoặc làm tăng nguy cơ bị chảy máu rất nhiều.

Không rút que đâm vào người bị nạn trước khi đưa đến bệnh viện  - Ảnh minh họa: Internet

Cần sơ cứu bằng cách cố định vật đã đâm vào người bị nạn rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi có thể dùng cáng để khiêng, tránh để nạn nhân tự đi vì điều này làm vết thương đâm sâu hơn hoặc gây đau đớn.