Cắt lể đẹn - nguy hại khôn lường cho trẻ

Nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh còn được dân gian hay gọi là đẹn miệng, tưa lưỡi. Đây là một bệnh khá phổ biến do nấm men thường có trong khoang miệng của trẻ gây ra. Nhất là với những bé có sức đề kháng yếu, vệ sinh răng miệng kém sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển. Đối tượng thường mắc phải là trẻ em từ sơ sinh đến 9 - 10 tuổi, thậm chí là 15 tuổi.

Khởi phát của bệnh, trẻ sẽ nổi những chấm trắng nhỏ, xuất hiện ở phía đầu lưỡi, sau đó lan rộng dần thành mảng trắng trên mặt lưỡi. Về sau, những mảng trắng này có thể chuyển sang màu vàng ngà, vàng nâu và lan rộng xuống vùng họng. Cha mẹ lưu ý không nên tự cạo hoặc bóc những mảng trắng này ra vì sẽ làm trẻ bị đau và bỏ ăn.

Bệnh do nhiều loại nấm gây ra, nhưng chủ yếu vẫn là Candids albican. Ảnh internet.

Nhiều trường hợp cha mẹ xót con, cộng thêm sự thiếu hiểu biết đã chữa đẹn cho con bằng phương pháp cắt lể, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc. Điển hình như trường hợp chị H (Q.12 TP.HCM), khi thấy con thường xuyên khóc đêm, vặn mình khó ngủ nên gia đình chị đã nghĩ ngay đến việc lể đẹn cho con.

Được hàng xóm “mách nước", chị mua một cây kim (loại dùng để khâu len), sát trùng bằng cồn và tiến hành gẩy đẹn cho bé. Chuyện khóc đêm không những không được cải thiện mà còn làm cho con thêm khóc nhiều vì đau, nhiễm trùng do vết thương bị cắt ở lưng.

Điều trị nấm lưỡi cho trẻ

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM) cho biết, nấm lưỡi là một bệnh thường rất hay gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bệnh sẽ tự khỏi nếu cha mẹ giữ vệ sinh sạch sẽ cho con. Tuy nhiên, đến bây giờ nhiều gia đình vẫn thực hiện cắt lể đẹn cho trẻ, đây là phương pháp không được y học hiện đại ủng hộ, vì trẻ dễ gặp những biến chứng nhiễm trùng về sau.

Thường xuyên vệ sinh sạch khoang miệng và lưỡi cho trẻ ngay sau khi bú, ăn bằng nước ấm hoặc dùng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh cho trẻ. Nếu những đốm trắng lan rộng, xuất hiện dày ở khu vực bên trong má thì cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và có những biện pháp can thiệp phù hợp.

Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh lưỡi cho trẻ mỗi ngày. Ảnh internet.

Trẻ sơ sinh có thể lây khuẩn nấm qua cho mẹ đang cho con bú, cụ thể là vùng núm vú. Người mẹ bị nhiễm nấm sẽ có biểu hiện như ngứa dữ dội, nhạy cảm hoặc đau ở núm vú, da bong tróc hoặc bóng ở khu vực xung quanh núm. Khi thấy có triệu chứng của bệnh, mẹ cần vệ sinh sạch sẽ vú sau mỗi lần cho con bú để tránh tạo thành một chu kì lây nhiễm và tái nhiễm cho nhau. Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng mỗi ngày và sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng.

Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều người thường sử dụng mật ong để đánh tưa lưỡi, tuy nhiên trong mật ong có chứa độc tố botulium, có thể gây ngộ độc ở trẻ nhỏ thậm chí tác động lên day thần kinh cơ, gây liệt. Vì vậy, các bậc cha mẹ tuyệt đối không cho bé dùng mật ong cũng như đánh tưa lưỡi bằng mật ong.

Bác sĩ Khanh chia sẻ thêm, đẹn ở trẻ sơ sinh thường biến mất sau một vài tuần điều trị, nhưng cũng rất dễ tái phát. Do vậy, cách lâu dài và hiệu quả nhất là đảm bảo cho bé một hệ miễn dịch tốt bằng chế độ ăn uống đầy đủ, vệ sinh đúng cách.