Cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lây lan trong các khu công nghiệp
Chiều 10/10 tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam.
Theo PGS. TS. BS Phạm Văn Quang, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, 9 tháng đầu năm có 2.180 ca nhập viện do tay chân miệng, trong đó có 46 ca nặng (độ 3, 4) và 1 ca tử vong. Tính riêng trong tháng 9 đã có 814 ca nhập viện, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Bệnh viện đã có 83 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện. Chỉ tính riêng trong ngày 10/10, khoa Nhiễm đang điều trị cho 19 ca sởi; số ca sốt xuất huyết thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 nhưng đã có 2 ca tử vong. Xác định nguồn lây sởi có thể từ bệnh nhân, phụ huynh đang mắc bệnh và bàn tay của nhân viên y tế, bệnh viện đã chỉ đạo tăng cường thông tin truyền thông phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi cho thân nhân người bệnh; phát hiện cách ly sớm các ca nghi ngờ, nếu trẻ sốt, ho, đỏ mắt, phát ban, chưa rõ hoặc không rõ đã tiêm phòng sởi hay chưa sẽ được khám tại phòng khám riêng; kết hợp các biện pháp phòng bệnh cơ bản như đeo khẩu trang, rửa tay, sát trùng tay nhanh.
Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 8 số ca tay chân miệng tăng nhanh và liên tục. Trong tháng 9, số ca mắc lên tới trên 200 ca nội trú, khoảng 500 ca ngoại trú mỗi tuần. Các địa phương có số mắc cao là Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch.
Tính đến ngày 8/10, số ca mắc sởi tại Đồng Nai là 190 ca, trong đó chỉ tính riêng từ tháng 9 đến nay đã có 161 ca. 10/11 huyện ghi nhận có ca bệnh, tập trung tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ như Nhơn Trạch (87 ca), TP Biên Hòa (41 ca), Long Thành (31 ca). Qua giám sát và điều tra cộng đồng tại một số điểm có ca bệnh, chùm ca bệnh cho thấy, số mắc phần nhiều tập trung ở nhóm trẻ sống trong các khu nhà trọ của công nhân, trẻ chưa tiêm chủng sởi và trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.
Tại Bình Dương, từ tháng 9 đến nay số ca sởi tăng nhanh với 112 ca và trên 3.000 ca tay chân miệng. Cũng giống như Đồng Nai, Bình Dương rất khó quản lý các đối tượng mắc bệnh là dân nhập cư. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, có đến 90% đối tượng nhập cư chưa được tiêm chủng hoặc không rõ lịch tiêm chủng.
BS Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cho biết, từ giữa tháng 9 số ca mắc tay chân miệng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, mỗi ngày có khoảng 70 – 80 ca tay chân miệng, 1 ca tử vong do diễn tiến nặng và nhanh, không được đi khám kịp thời.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng thấp hơn 20%, sốt xuất huyết thấp hơn khoảng 55%, số ca sởi cũng thấp hơn. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là khu vực phía Nam, Cục Y tế dự phòng đã chủ động đi trước không để dịch bệnh không bùng phát.
Đối với bệnh sởi, ông Phu nhấn mạnh đến việc tiêm vét, nhất là các tỉnh có nguy cơ cao cần tiến hành tiêm vét trong tháng 12 và tháng 1/2019.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM nhận định, tỷ lệ lây truyền bệnh sởi rất cao, nếu trong cộng đồng chưa được tiêm chủng thì tỷ lệ lây lên đến 90%. Tại khu vực phía nam, tình hình mắc sởi liên tục tăng cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh đông nam bộ (Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM…). Tại những khu vực nguy cơ cao này, tỷ lệ tiêm phòng sởi mũi 1 và mũi 2 chưa đạt như mong muốn, một số nơi trẻ mắc sởi không được cách ly.
Theo PGS Phan Trọng Lân, đối với nhóm mắc sởi trên 5 tuổi, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao, vì thế rất cần tăng cường tiêm phòng cho các đối tượng ngoài độ tuổi tiêm chủng, chủ động tiêm phòng cho cán bộ y tế, nhất là những nơi tiếp nhận bệnh nhân sởi để tạo hàng rào phòng dịch. Một trong những vấn đề khó khăn là các đối tượng tạm trú không nằm trong danh sách tiêm vét, vì vậy rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, chủ nhà trọ, khu công nghiệp…
Đối với bệnh tay chân miệng, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi 1-3 và từ tháng 9 đến nay, các ca mắc tăng nhanh tại 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu và Cần Thơ. Với căn bệnh này, biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là tập trung vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...