1.Vì sao trẻ bị viêm phổi?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Nguyên nhân dẫn đến viêm phổi thường do vi khuẩn, virus hoặc nấm...

Biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm phổi ở trẻ em khác nhau tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, thể trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Không có triệu chứng hoặc dấu hiệu đơn lẻ nào là đặc trưng cho bệnh viêm phổi ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ở trẻ dưới 5 tuổi bị ho có hoặc không có sốt, khó thở, viêm phổi được chẩn đoán bằng biểu hiện thở nhanh, rút lõm lồng ngực khi hít vào (ở người bình thường lồng ngực nở ra khi hít vào). Thở khò khè là dấu hiệu phổ biến hơn trong nhiễm virus.

Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ viêm phổi có nguy cơ gặp các biến chứng: Tràn mủ màng phổi, tràn dịch màng tim, trụy tim, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, hội chứng suy hô hấp cấp, viêm phúc mạc, viêm nội tâm mạc, viêm khớp...

Khi có dấu hiệu nghi ngờ trẻ viêm phổi, cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Phương pháp điều trị bệnh viêm phổi cho trẻ

2.1. Thuốc kháng sinh

Viêm phổi do vi khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Các thuốc kháng sinh thường dùng là amoxicillin, amoxicillin/clavulanic, benzylpenicillin hoặc erythromycin, azithromycin... Tùy từng lứa tuổi, tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và liều lượng hợp lý, an toàn.

2.2. Thuốc hạ sốt

Thuốc hạ sốt giảm đau thường dùng là paracetamol, ibuprofen... Có thể dùng paracetamol kết hợp với ibuprofen trong trường hợp sốt cao không kiểm soát được với ibuprofen hoặc acetaminophen đơn thuần.

Liều lượng tối ưu của ibuprofen không được vượt quá 10 mg/kg, 3 lần một ngày. Paracetamol không được vượt quá 15 mg/kg, 4 lần/ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.

2.3. Thuốc giảm ho

Thuốc ho không có tác dụng điều trị viêm phổi. Không nên cho trẻ bị viêm phổi uống thuốc giảm ho có codeine hoặc dextromethorphan, vì ho là phản ứng có lợi giúp loại bỏ chất nhầy dư thừa và làm sạch phổi.

Những trẻ hồi phục sau viêm phổi có thể tiếp tục ho trong vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào nguyên nhân. Ngoài ra trẻ có thể bị khó thở vừa phải khi gắng sức trong 2 đến 3 tháng. Có thể pha mật ong và chanh ấm giúp giảm bớt sự khó chịu do ho.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ trẻ viêm phổi, cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2.4. Vệ sinh mũi họng

Virus và vi khuẩn thường được tìm thấy trong mũi hoặc cổ họng của trẻ có thể gây nhiễm trùng phổi nếu trẻ hít phải. Chúng cũng có thể lây lan qua các giọt bắn trong không khí do ho hoặc hắt hơi.

Vì vậy, cần chăm sóc mũi họng cho trẻ bằng nước ấm sạch hoặc nước muối loãng, giữ cho không khí xung quanh được sạch, tránh khói bụi, thuốc lá.

3. Lưu ý khi điều trị viêm phổi cho trẻ

Để điều trị viêm phổi cho trẻ an toàn, hiệu quả, cần thực hiện:

- Không tự ý dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt là thuốc kháng sinh.

- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Khi có bất kỳ triệu chứng khác thường nào cần báo cáo ngay với bác sĩ điều trị để có hướng xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

4. Khi nào trẻ cần nhập viện?

Trẻ bị viêm phổi phải nhập viện nếu thấy các dấu hiệu sau:

- Giảm oxy máu (độ bão hòa oxy <90%).

- Mất nước, không thể bù nước cho trẻ bằng đường uống, trẻ không ăn được.

- Suy hô hấp mức trung bình đến nặng: Nhịp thở >70 lần/phút với trẻ <12 tháng; và >50 lần/ phút với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên; khó thở (thở khò khè, phập phồng, co rút); ngưng thở.

- Các bệnh nền có thể dẫn đến một đợt viêm phổi nghiêm trọng hơn (bệnh tim phổi, hội chứng di truyền, rối loạn nhận thức).

- Bệnh nặng hơn hoặc không đáp ứng trong 48-72 giờ .